- Hiện nay có rất nhiều Wap giả mạo KhoTruyenHay.Info, vì vậy các bạn hãy nhớ trang Wap đọc truyện tình yêu, truyện tình cảm, truyện ngắn online, tiểu thuyết tình yêu cập nhật miễn phí hay nhất tại KhoTruyenHay này nhé!
Thông Báo: Tên miền KhoTruyenHay.Info chính thức được sáp nhập vào địa chỉ cũ là KhoTruyenHay.Sextgem.Com vào ngày 18/08/2015. Hãy lưu lại địa chỉ KhoTruyenHay.Info để tiện việc truy cập nhé!
Các bạn hãy Click vào Tham Gia Nhóm của KhoTruyenHay.Info trên FaceBook để giao lưu cùng mọi người nhé!
Chương 4: TREO NGƯỢCChúng tôi đâu được phép nghĩ lâu, dòng nước đã đẩy bè trôi về hướng cánh cửa hình miệng thú trong sơn động, quả cầu đá tự nhiên ấy treo lửng lơ rất thấp, chúng tôi vội cúi rạp, ép sát người trên bè để tránh.
Đúng lúc bè sắp trôi vào miệng con thú đá, chiếc đèn rọi cực mạnh gắn ở phía trước nhấp nháy vài lần rồi tắt ngúm, có lẽ là vì bật sáng liên tục quá lâu nên ắc quy đã cạn sạch.
Tôi nghĩ bụng :" Gay rồi. Đúng lúc này ắc quy lại cạn chứ, hang động phía trước hết sức quái dị, không thể chủ quan, phải thay ắc quy trước đã, kéo bè trôi vào trong sa vào đá lật úp mất".
Tôi giơ nắm đấm lên với Tuyền béo và Shirley Dương, ra hiệu dừng lại, để họ cùng phối hợp dừng bè trước cửa hang, sau đó chống cây sáo trong tay xuống đáy để neo lại, may sao chỗ này nước chảy chậm, nếu không, chỉ một cây sào thì khó mà chống nổi sức nặng của cả chiếc bè thế này kéo đi.
Tôi thay ắc quy đèn, nó lại sáng như trước, dưới cột ánh sáng mạnh màu da cam, nhìn rõ cái đầu con thú hình thành bởi nham thạch tự nhiên nom rất giống một cái đầu rồng kỳ dị, đường nét rất mơ hồ nên không thể nhận ra có dấu vết của bàn tay con người tham gia tạo dựng hay không.
Tuyền béo vỗ vào vai tôi, ra hiệu đã nhổ cây sào giữ thăng bằng lên rồi, thấy vậy tôi cũng nhổ cây sào chặn phía trước, bè trôi theo dòng nước, lọt vào cái miệng rồng quái dị gớm ghiếc, tiến vào sơn động.
Đoạn sông này rất hẹp và rất sâu, phía trước thẳng như ruột ngựa, chúng tôi cầm cây sào chọc vào hai bên vách đá để hãm cho bè trôi chậm lại, cùng lúc quan sát kỹ các pho tượng người bằng đá treo lộn ngược trong hang.
Những pho tượng này đều ngoặt tay ra sau lưng, trong tư thế của người bị trói, môi trường dưới lòng đất ẩm ướt lạnh lẽo nên bề mặt của các pho tượng đều có màu nâu xám, các đườn nét mặt mũi đều mơ hồ không rõ, dường như bề ngoài đều bị phủ một lớp vảy mốc 1.
Nhìn bề ngoài về cơ bản không thể phân biệt rõ đặc điểm giới tính và vẻ mặt của tượng đá, xét về hình thể thì có cao thấp béo gầy, hình như ngoài tráng niên ra còn có một số thiếu niên chưa trưởng thành, các pho tượng cũng không được tạo dáng theo một tiêu chuẩn thống nhất, hoàn toàn khác với các pho tượng người bồi táng thời Tần - Hán vốn đều là tượng quân sĩ và nghệ nhân diễn trò.
Phía trên nóc hang có những sợi dây xích bằng đồng hoen gỉ xanh xỉn, treo các tượng đá ở hai bên, có sợi đã đứt tuột, có sợi buông thõng không treo gì cả, có lẽ do trải bao năm tháng nên có không ít tượng đá đã bị rơi xuống nước. Trông đám tượng đá bị treo hệt như những người chết treo cổ, thả lửng lơ cách mặt nước chừng non một thước, trong hang động tối om này bất chợt nhìn thấy chúng hẳn ai cũng phải thất kinh.
Shirley Dương bảo chúng tôi tạm dừng bè, bên bờ nước có một pho tượng bị tuột xích rơi xuống đất, cô chỉ vào nó nói :" Những pho tượng này tuy mơ hồ không rõ nét nhưng nhìn kiểu tóc trang phục thì hơi giống tượng thời Hán. Tôi đến tận nơi xem sao". Nói rồi Shirley Dương chỉnh luồng sáng của đèn gắn trên mũ cho tụ lại, nhảy khỏi bè, cúi lom khom xem xét pho tượng đá nằm trên bờ.
Tôi nhắc Shirley Dương :" Đeo găng tay vào, coi chừng ở đó có vi khuẩn, nếu nhiễm khuẩn thì dù có làm hô hấp nhân tạo cả vạn lần cũng không cứu nổi đâu".
Shirley Dương xua tay, ý bảo tôi và Tuyền béo đừng làm cho cô bị phân tán chú ý, hình như cô nàng đã tìm thấy cái gì đó trên pho tượng đá, bèn đeo găng tay cao su, rồi dùng con dao chuyên dụng của lính nhảy dù cạo vài đường trên thân tượng, sau đó đưa lưỡi dao lên nhìn, rồi lại khẽ ngửi nó. Cô nàng quay lại nói với chúng tôi :" Hình như tượng người này không phải bằng đá đâu".
Tuyền béo lấy làm lạ :" Không phải bằng đá? Chẳng lẽ là nặn bằng đất bùn à?"
Tôi vẫn ngồi trên bè, nhớ lại cảnh tượng trên đường cái bên bờ sông Lan Thương, bèn nói với Shirley Dương :" Tức là đắp lên người thật hay sao?Cô thử lấy lưỡi dao cắt một mẩu ra, xem xem bên trong là gì? Tấm bản đồ bằng da người đã ghi chú rất rõ, ở gần mộ Hiến vương có vài nơi chôn người tuẫn táng, nhưng không nói vị trí cụ thể là chỗ nào, biết đâu cái hang miệng rồng này chính là một trong những hố tuẫn táng ấy cũng nên".
Shirley Dương dùng con dao lính dù chích vào đùi tượng, cắt ra một miếng, quả nhiên giống hệt như cảnh tượng nhìn thấy trên đường cái, vỏ ngoài pho tượng tuy thì chắc và dai nhưng chỉ là một lớp rất mỏng, bên trong toàn là dòi bọ đã nát bét. Nhìn đám dòi chết, Shirley Dương không khỏi cau mày, lại cầm dao chích lên phần ngực pho tượng, khoét thủng vài lỗ, kết quả cũng thế, bên trong toàn là dòi chết và trứng dòi.
Shirley Dương nói với tôi và Tuyền béo :" Có lẽ đây không phải là hố chôn người tuẫn táng, nhưng có thể khẳng định rằng những pho tượng này đều dùng người thật tạo nên, và chắc chắn là có liên quan đến Hiến vương. Có lẽ đây chính là 'trùng thuật' tàn bạo khét tiếng ở miền Điền Nam thời Hiến vương rồi".
Ngoài hơn trăm pho tượng người và dây xích ra, trong hang động toàn là nham thạch hình thù kỳ dị, lô nhô lởm chởm, còn lại không thấy có gì khác. Shirley Dương quay về bè, và chúng tôi lại tiếp tục xuôi theo dòng nước chầm chậm tiến lên phía trước.
Tôi vừa điều khiển bè, vừa hỏi Shirley Dương tại sao lại nhận định rằng những tượng ấy làm từ người thật, và tại sao có thể xác định chúng có liên quan đến trùng thuật của Hiến vương?
Trên đường đến Vân Nam, Shirley Dương đã tốn không ít công sức để thu lượm các thông tin, trước khi xuất phát, từ lúc ở Bắc Kinh phàm là nơi nào có thể tìm được tư liệu lịch sử, cô nàng đều đến tìm hết, suốt dọc đường đều ngồi nghiền ngẫm. Có một học giả châu Âu đã từng nói, mỗi tấm bia mộ là một bộ tiếu thuyết trường thiên, trong mộ của các nhân vật lịch sử quan trọng thường chứa một lượng lớn thông tin về lịch sử đương thời. Có thể nói lăng mộ các vị quân vương là kết tinh của nhiều phương diện như kinh tế, văn hóa, tôn giáo của xã hội đương thời, càng hiểu biết nhiều về các tư liệu lịch sử này thì khi đi đổ đấu sẽ càng thuận buồm xuôi gió, cho nên những tay đào trộm mộ cừ khôi nhất trong lịch sử đều là những người có kiến thức sâu rộng thông tỏ cổ kim.
Trong lịch sử Trung Quốc có rất nhiều vị có tên Hiến vương, có điều những vị này không sống cùng thời đại, ngoài Hiến vương ở nước Điền ra, mấy vị Hiến vương khác đều không ở Vân Nam, thậm chí sau khi nghĩa quân Thái Bình Thiên Quốc lập nước ở Thiên Kinh cũng từng phong tước Hiến vương. Cả thời Chiến quốc và Ngũ đại, cũng đã có danh hiệu Hiến vương. Giống như danh hiệu Trung Sơn đã lần lượt được xuất hiện trong lịch sử với tư cách là quốc hiệu và vương hiệu, cho nên có thể nói các vị Hiến vương này đều không liên quan gì đến nhau.
Vị Hiến vương mà chúng tôi sắp ra tay đổ đấu là một vị vu vương 2 ở nước Điền cổ đại, trùng thuật của ông ta sử dụng vong linh người chết làm vật trung gian, càng dùng nhiều oan hồn thì uy lực của tà thuật càng ghê gớm. Quá trình và thủ đoạn sử dụng người chết để tạo ra "trùng" cực kỳ phức tạp, những pho tượng làm từ người thật trong hang động này, xét từ kiểu chết dị thường và mức độ biến chất của nấm mốc, đều hoàn toàn trùng khớp với các thủ đoạn của Hiến vương. Điều này chứng tỏ đây là một địa điểm bí mật để thực thi trùng thuật thời cổ đại.
Shirley Dương phán đoán rằng con đường sông chảy xuyên núi này được khai mở vào cùng thời điểm Hiến vương xây lăng mộ, lợi dụng những hang động đá vôi thiên nhiên, cộng với sức người sửa sang thông tuyến, để tiện cho việc vận chuyển vật liệu xây cất vương lăng, vận chuyển đường thủy có lẽ là con đường tắt thích hợp nhất với địa hình nơi đây.
Những người chết bị làm thành tượng mà ta thấy trong hang động này, rất có thể đều là các nô lệ hoặc thợ xây lăng. Để bảo vệ bí mật lăng mộ Hiến vương, sau khi đã xây cất hoàn tất, hoặc sau khi thi thể Hiến vương nhập liệm, những người này đã bị các thuộc hạ trung thành của Hiến vương trói chặt toàn thân, rồi bị buộc phải nuốt một loại thuốc "trùng dẫn", nút chặt "thất khiếu" 3, sau đó dùng xích treo trong hang động, bỏ cho chết ngạt , một là để bảo vệ các bí mật bên trong vương lăng, hai là dùng họ để hù dọa những kẻ từ bên ngoài tình cờ lạc bước vào con đường bí mật này.
Trùng dẫn là loại thuốc viên dùng trong một loại trùng thuật nào đó, sau khi con người nuốt vào, nó sẽ ký sinh và đẻ trứng trong cơ thể, chỉ cần ba đến năm ngày, toàn bộ huyết dịch, cơ thịt và nội tạng người ấy biến thành dinh dưỡng cho ấu trùng, ấu trùng sẽ chiếm lĩnh không gian trong cơ thể đó. Vì chỉ trong thời gian ngắn cơ thể đã mau chóng mất hết nước nên da người héo khô rất nhanh, cứng lại như vỏ cây hoặc như một lớp đá, trứng trùng bị yếm khí không thể biến thành ấu trùng, cứ giữ mãi trong trạng thái ngủ đông, và có thể giữ được vài ngàn năm môi trường râm mát. Vì vậy, nếu ngày nay làm vỡ lớp da bên ngoài tượng người thì vẫn có thể lập tức xuất hiện vô số ấu trùng của trùng dẫn còn tươi tựa như đàn dòi béo vậy, nhưng tùy điều kiện tồn tại khác nhau nên cũng có khả năng bên trong chỉ là những trứng sâu đã khô đét từ lâu.
Các loại điển tịch kể cả dã sử, ghi chép về trùng thuật tương đối ít, cho nên những ngày qua Shirley Dương chỉ tra cứu được chừng này thông tin, còn về lý do tại sao phải biến cơ thể người sống thành hình thái sâu nhộng, dùng đám sâu nhộng này vào việc gì, thì chịu không thể biết.
Không chỉ trong núi Già Long mới lắm tượng người kiểu này, mà ở các vùng núi lân cận có lẽ cũng còn vài nơi như vậy nữa. Pho tượng chúng tôi gặp trên đường cái ven sông Lan Thương, có thể là do đất đá trên núi bị nước mưa xói mòn lở lói, nên tượng bị rơi xuống đường. Tuy nói Hiến vương chỉ cai quản một góc khu vực biên ải miền Nam,nhưng từ sư việc có vô số nô lệ bị chế tạo thành tượng kiểu này, cũng có thể nhận ra sự tàn bạo vô tình dưới ách thống trị của Hiến vương ở khu vực miền Tây Vân Nam thời xưa như thế nào.
Nghe Shirley Dương phân tích xong, tôi và Tuyền béo đều rùng mình sởn gai ốc, lúc đầu còn tưởng là tượng đất nung giống kiểu Binh mã dõng, hóa ra lại là làm từ người thật, hai thằng không nén nhịn được mà ngoảnh đầu nhìn lại thì đám tượng người như ma quỷ bị treo cổ kia đã mất hút trong bóng tối đen kịt phía sau lưng, không nhìn thấy nữa.
Tôi càng nghĩ càng cảm thấy quá tàn bạo, bất giác ngoác miệng ra chửi :" Con mẹ cái bọn vua chúa ngày xưa, thật chẳng coi con người ra con người, trong mắt bọn quý tộc, nô lệ thậm chí không bằng con trâu con ngựa. Người ục ịch như Tuyền béo mà làm nô lệ thời ấy, chắc sẽ được làm vật tế, một mình cậu bằng ba người khác".
Ngồi ở giữa bè, Tuyền béo đang mân mê cái đèn rọi gắn trên mũ bảo hiểm, đập tay hai phát, cũng đã trở lại trạng thái bình thường, nghe thấy tôi đá đểu bèn đáp :" Quên cụ nhà cậu đi Nhất ạ! Những lời cậu vừa nói đã bộc lộ rõ cái bản chất ngu si vô học. Theo tôi biết, người thời cổ đều hãnh diện khi được chọn làm người tuẫn táng hoặc để tế thần, đó là một niềm vinh hạnh không gì bì được. Cái chuyện lựa chọn người tuẫn táng ấy được làm rất nghiêm ngặt, phải xét đến tận các cụ tam đại, ai có chút tì vết về mặt chính trị là bị loại ngay, có cả đàn người viết huyết thư tình nguyện mà còn không đến lượt, cực kỳ hợp với cái hạng người giả bộ tích cực như cậu ấy. Cậu mà sống thời đó chắc chắn sẽ rất bốc đồng, thế nào cũng nhảy cẫng lên mà hô, hãy đem tôi ra tế trời đi, tôi là thích hợp nhất để đốt đèn trời 4 nhất đấy, tổ quốc nhân dân chờ tin tốt lành của tôi, vì thắng lợi, mang tôi đi đốt đèn trời đi ..."
Tôi điên tiết quá thể, cái mồm thằng chó Tuyền béo này cũng thất đức quá :" Người tôi đâu có lắm mỡ như cậu, làm sao mà hợp đốt đèn trời được? Cậu ..."
Shirley Dương ngắt lời hai chúng tôi :" Hai anh có thôi không thì bảo? Sao cứ nói được mấy câu là cãi nhau um lên thế nhỉ? Hai anh có nhận ra điều gì bất ổn không? Đường thủy này khác hẳn với lời chị chủ quán trọ miêu tả ..."
Tuyền béo nói :" Cái bà chủ quán ấy đã bao giờ vào đây đâu? Chị ta chẳng qua cũng chỉ nghe đám công nhân khai thác đá kể lại mà thôi, đúng không? Cũng khó tránh khỏi đôi chút sai lệch, nghi thần nghi quỷ làm gì cho mệt".
Tôi nói với Shirley Dương và Tuyền béo :" Chưa chắc chị ta đã nói sai đâu, quãng sông chúng ta vừa đi qua nước chảy xiết, có thể là vì mấy hôm nay mưa to, mặt sông rất rộng, có lẽ là do hai nhánh sông đã hòa làm một. Chúng ta chỉ mải giữ bè cho thăng bằng, góc quét của đèn pha lại hẹp, tầm nhìn cũng bị hạn chế, rất có thể đã đi nhầm vào một nhánh rẽ".
Tuyền béo cuống lên :" Thế thì phiền hà rồi. Chi bằng quay lại tìm đường. Đừng lại như lần trước ở ổ nhện, đâm đầu vào mê cung rồi tí nữa không ra được. Chúng ta cũng không mang theo nhiều lương khô đâu đấy".
Tôi nói với Tuyền béo :" Nếu đúng chỉ là một nhánh rẽ trên sông thì khỏi phải lo, nước sông chỉ chảy theo một hướng, cuối cùng đều xuyên qua núi Già Long rồi đổ vào Khê Cốc của sông Rắn, cho nên tuyệt đối không có chuyện lạc đường đâu. Con sông này lại rất thẳng, rõ ràng là sông đào do con người khai thông, như Shirley Dương đã nói rồi đấy, có thể là đường thủy để vận chuyển vật liệu xây lăng mộ Hiến vương. Chúng ta đi tiếp, chắc chắn không thể nhầm đường".
Shirley Dương nói :" Anh Nhất nói đúng đấy, thời cổ, khi xây cất lăng mộ lớn, người ta thường dùng đường thủy để vận chuyển đá xây dựng, ngày xưa những người thợ xây lăng nhà Tần thường hát rằng 'Cam Tuyền lấy đá xây lăng, dòng sông Vị Thủy bởi chưng nghẹn dòng'. Chỉ hai câu ngắn gọn này cũng đủ để hình dung lăng Tần Thủy Hoàng hoành tráng đến đâu, chỉ vì vận chuyển đá mà làm tắc nghẽn cả dòng sông Vị Thủy".
Tuyền béo nói :" Sông Vị mà mình thấy hồi đi Thiểm Tây ấy à, so với con sông đó thì sông này cùng lắm cũng chỉ như cái cống nước thôi. So với Tần Thủy Hoàng thì tay Hiến vương chỉ được coi là một anh nghèo còm cõi. Chúng ta đi đào mộ hắn là rất nể hắn rồi... Ối ... sao thế này?"
Chiếc bè đang chầm chậm xuôi theo dòng chảy, bỗng như va phải vật gì đó dưới nước, lắc mạnh một cái, sau đó lại trở lại bình thường. Nhưng tiếp đó dưới nước vọng lên những âm thanh đùng đục của vật kim loại nặng nề đang khuấy nước. Tôi, Tuyền béo và Shirley Dương đều cùng thấy dấy lên một cảm giác chẳng lành. Không xong rồi, chỉ e bè đã đâm phải cái chốt thiết bị đánh bẫy đặt dưới lòng sông này ...
--------------------------------
1 Mốc đá biến chất, không độc.
2 Tức "vua phù thủy".
3 Tức bảy lỗ trên cơ thể gồm 2 mắt, 2 lỗ mũi, mồm và 2 tai.
4 Nguyên tác : điểm thiên đăng, thời xưa còn gọi là đốt đèn người, là một hình phạt cực kỳ tàn khốc, người chịu hình phạt này bị lột hết quần áo, quấn vải quang người rồi nhúng vào vại dầu, đến đêm, sẽ bị treo lộn người đầu chúc xuống đất, chân chổng lên trời, và đốt lửa. An Lộc Sơn đời Đường chính là bị xử tử theo cách này.
Chương 5: NƯỚC SÂU MƯỜI BA MÉT
Những tiếng động dưới lòng sông truyền lên vẫn chưa dứt, bỗng nghe thấy phía sau vang lên những tiếng "ùm... ùm ..." của vật gì đó rơi xuống nước, âm thanh mỗi lúc một mau, đến cuối cùng thì gần như không còn thấy quãng ngắt giữa các tiếng rơi nữa, hình như tất cả đám tượng người treo lửng lơ lúc nãy đều rơi tõm xuống nước.
Tuyền béo lẩm bẩm :"Hỏng bét cả rồi, chỉ sợ đống của nợ kia biến thành ma nước đến lật bè mình". Nói rồi cậu ta gỡ chiếc "Kiếm Uy" đeo trên lưng xuống, mở quy lát để nạp đạn bi sắt.
Tôi cũng cảm thấy chắc chắn phía sau có chuyện khác thường bèn ngoái lại nhìn, nhưng vì bè đã trôi xa khúc sông có treo tượng người nên phía sau chỉ là một màn tối đen, đèn soi gắn trên mũ không thể phát huy tác dụng gì ở nơi này, trên lý thuyết nó có thể chiếu xa mười lăm mét, nhưng khi chỉnh cho vòng sáng tụ lại hết cỡ,thì chỉ có thể chiếu xa sáu mét là cùng.
Vì ở môi trường tối tuyệt đối, ánh sáng đèn chiến thuật cá nhân như thế này rất khó làm nên trò trống gì. Shirley Dương ngồi ở cuối bè, ngoái lại nhìn nhưng cũng không nhận ra là chuyện gì, vội nói với tôi và Tuyền béo :" Mặc kệ phía sau đi, chúng ta cứ gắng hết sức tiến lên, phải cố thoát ra khỏi khúc sông này trước khi bị đuổi kịp".
Tôi đáp lời ngay :" OK! Tăng hết tốc lực lên!". Tôi bật đèn pha phía trước, nhấc sào chuẩn bị chống vào vách đá trợ lực cho bè trôi nhanh hơn.
Nào ngờ cột ánh sáng như đông đặc của ngọn đèn pha vừa bật lên chiếu rõ khúc sông thẳng tắp ở trước mặt chúng tôi, ở chỗ cách chúng tôi chừng hơn trăm mét cũng có hơn trăm pho tượng người được treo bằng dây xích, ánh đèn quá mạnh rọi vào bề mặt da người nâu xỉn trông cực kỳ đáng sợ, đám tượng người ấy lại giống như một bầy ma quỷ bị treo cổ đang khẽ đung đưa bên trên dòng sông hẹp, càng khiến chúng tôi sợ dựng tóc gáy.
Âm thanh dưới lòng sông lại nổi lên, hang động rộng lớn vọng lại những tiếng ầm ầm, chỉ thấy xích treo đám tượng phía trước ấy tuột ra, các pho tượng rào rào rơi xuống như máy bay thả bom, pho tượng này nối tiếp pho tượng kia ùm ùm rơi xuống sông, chỉ khoảnh khắc sau, phía trước trụ sáng đèn pha chỉ thấy hàng trăm sợi xích đã trống trơn.
Đến lúc này gần như có thể khẳng định được rồi, đây là sông đào vận chuyển vật liệu xây lăng mộ Hiến vương, sau khi đã chôn cất ông ta xong, dưới sông đã được bố trí thiết bị chốt bẫy gì đó, có điều, vẫn chưa thể xác định đám tượng người dùng làm "vỏ chứa sâu bọ" kia được thả xuống nước là để làm cái trò gì.
Phen này đúng là xuất quân bất lợi, chưa đến được Khê Cốc ở sông Rắn đã đi nhầm đường. Có lẽ từ sau thời Hán chưa có ai đi vào khúc sông này, gần đây do mưa nhiều, nước lớn, đã đẩy bè của chúng tôi vào đây, thành ra chúng tôi đã lỡ bỏ qua mất tuyến đường so ra thì tương đối an toàn kia.
Tôi không ngừng chửi thầm trong bụng, bè vẫn tiếp tục trôi xuôi, mặt nước ở khúc sông phía trước tĩnh lặng như không, thậm chí không hề thấy gợn sóng lăn tăn. Hình như đám tượng người ấy đã chìm xuống tận đáy sông, không có động tĩnh gì hết, dường như chưa hề có những vòng tròn sóng lan dần sau khi một vật thể bị rơi xuống nước.
Kinh nghiệm tham gia chiến tranh ngày trước mách bảo tôi rằng, những lúc im ắng lại càng là những lúc đang âm ỉ nguy hiểm và phong ba ghê gớm. Tôi cầm chiếc xẻng công binh lên theo bản năng. Chiếc xẻng công binh này là bảo bối mà Răng Vàng đã rất kỳ công mới kiếm được ở Bắc Kinh, vốn là trang bị của lính thủy đánh bộ Mỹ mà quân tình nguyện Trung Quốc đã thu được trong thời kỳ viện Triều kháng Mỹ, được bảo quản nguyên vẹn cho đến ngày nay, tuyệt đối có thể coi là một thứ công cụ thượng thặng, bên trên còn có ký hiệu kỷ niệm chiến dịch Guadalcanal nữa, giá trị của nó rất cao, đến nỗi tôi thấy hơi không nỡ dùng. Nhưng lúc này không nghĩ nhiều được nữa, tôi quyết định dù là cái gì từ dưới nước ngoi lên thì cứ phang cho một xẻng đã rồi hẵng hay.
Shirley Dương cũng rút súng ngắn ra, mở chốt an toàn, lên đạn sẵn sàng, chúng tôi đã đều chuẩn bị xong xuôi, bèn kệ cho bè tiếp tục từ từ trôi về phía trước. Đã rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, chỉ còn cách phải bình tĩnh ứng phó, sau khi nhận định rõ tình hình rồi sẽ tranh thủ ra tay trước áp đảo, không cần thiết phải xông lên một cách mù quáng.
Nhưng chúng tôi lên tư thế chuẩn bị hồi lâu mà mặt sông phía trước vẫn phẳng lặng như cũ, bè đã trôi đến giữa khúc sông phía trên lủng lẳng đầy dây xích, những sợi xích to gỉ xanh nham nhở lạnh lùng buông xuống giữa khoảng không. Tôi nghiến răng. Mẹ kiếp, im ắng quá thể, đằng sau sự im lặng này chắc chắn có vấn đề. Rốt cuộc là cái gì đây? Xem ra hình thức đấu tranh cách mạng ngày càng phức tạp rồi!
Đúng lúc này mặt sông bỗng như mở vung nồi, hàng loạt bong bóng sủi lên, tôi vội ấn cái đèn chúc xuống, soi vào mặt sông, cột ánh sáng xuyên qua mặt nước rọi đúng vào một pho tượng người đang nửa chìm nửa nổi.
Lớp da khô héo của pho tượng bị thấm nước sông hiện ra những nếp nhăn, mặt người vốn mờ ảo mơ hồ lúc này đã hiện rõ. Thì ra lúc họ còn sống, trên mặt đều bị trát một lớp bùn, sau khi nuốt "trùng dẫn" vào, người ta nút chặt thất khiếu của họ lại cho chết ngạt, vì thế khuôn mặt người chết vẫn giữ nguyên vẻ thê thảm đau khổ vật vã trước lúc chết. Lúc này ánh đèn rọi vào bị dòng nước đang chảy ngăn cản, tia sáng bị khúc xạ chập chờn, tưởng chừng như có vô số tượng người đang hồi sinh trong nước, cảnh tượng cực kỳ đáng sợ, bàn tay đang điều khiển đèn rọi của tôi thậm chí còn hơi run run, chưa bao giờ tôi thấy tình huống kinh hãi như thế này cả.
Các nếp nhăn xuất hiện trên thân tượng người cứ dần dần căng phồng, rồi nứt nẻ, từ mắt mũi mồm tai và từ các kẽ nứt trên người không ngớt sùi bong bóng, rất nhiều trứng sâu khô cũng bị phun ra.
Đám trứng sâu ấy gặp nước liền sống lại, nhanh chóng phình to lên, tựa như những miếng bọt biển xốp khô hút nước nở ra, biến thành những con đỉa màu trắng to bằng ngón tay, hai bên mọc vấu to bằng móng tay út, bơi nhanh vun vút, cả đàn cả lũ đều lao về phía bè của chúng tôi.
Chúng tôi đều sợ tái cả mặt lại, đó là giống đỉa Vân Nam mà ai nghe nói cũng phải phát hoảng, sống ở nơi nước nông, rất thích bám vào các vật trôi nổi trên mặt nước để đẻ trứng. Ở ruộng nước tại Vân Nam, Quảng Tây và Việt Nam, đôi khi trâu đang cày ruộng bỗng nhảy dựng dậy như điên rồi chạy lồng lộn, ấy chính là vì bị bọn ong nước này cắn vậy.
Tuyền béo chưa từng biết giống này,thấy những con đỉa trắng bé tẹo màu trắng lao như bay về phía bè, liền cầm sào vụt lia lịa, bọt nước bắn tung tóe.
Tôi chỉ lo cậu ta quá sợ rồi làm lật bè, vội nói ngay :" Không sao đâu, đừng căng thẳng quá, bọn đỉa cắn rất khiếp nhưng chúng không thể phi lên khỏi mặt nước, chỉ cần chúng ta cứ ngồi trên bè không xuống nước, thì khỏi phải lo gì".
Lũ đỉa trắng nhợt bâu đến mỗi lúc một nhiều, bám dưới đáy bè chi chít dày đặc, nhiều đến mức không thể đếm xiết, vô số con ở đằng xa cũng đang lao về đây, tuy số lượng nhiều nhưng tạm thời chúng cũng chưa tạo thành mối đe dọa gì đối với những người ở trên bè.
Tuyền béo chửi :" Tổ mẹ nó, sao lắm thế hả trời, đều từ trong da người chui ra à?Nó là sâu hay là cá?"
Tôi bảo Tuyền béo chúng là một loại côn trùng sống trong nước, cậu ta mới thấy hơi yên tâm :" Thế thì còn được! Bình thường tôi chỉ nghe nói có loại cá ăn thịt người rất khiếp, nếu chỉ là sâu bọ thì chẳng sao, sâu bọ lợi hại mấy, cũng không thể ăn thịt người được".
Shirley Dương nói với Tuyền béo :"Thực ra thì côn trùng là loài ghê gớm nhất thế giới này đấy, chẳng qua thể hình bé nhỏ đã hạn chế uy lực của chúng thôi. Sức mạnh và sức sống của côn trùng đều đứng đầu trái đất này,số lượng mà đủ nhiều, thì côn trùng cũng cắn chết người được, có loài côn trùng mang chất kịch độc, một con cũng có thể hạ gục cả con voi rồi".
Chúng tôi cầm xẻng công binh ra sức đập lũ đỉa ở phía trước bè, nhưng vì chúng quá nhiều, vả lại cũng chỉ đập được ở bên rìa, chứ không làm gì nổi lũ đỉa ở phía dưới. Tôi an ủi Tuyền béo và Shirley Dương :" Chúng ta chỉ cần giữ cho bè thăng bằng là được, lũ đỉa này chẳng là gì hết. Năm xưa ở Việt Nam tôi đã từng ăn cả một nồi, rất giàu đạm, ngon hơn hẳn nhộng tằm, mùi vị như tôm riu ấy. Đợi khi nào qua khỏi khúc sông này chúng ta luộc một mớ đỉa ăn, coi như đem cúng ông dạ dày luôn thể".
Tuyền béo nói :" Thích ăn thì cậu cứ ăn, toàn những con chui ra từ xác chết, dù có ngon như tôm hùm thì tôi cũng chẳng thèm".
Shirley Dương nói :" Chớ nên lạc quan quá sớm, đỉa nhiều như thế, người xưa lại tốn công uổng sức dùng trùng thuật tạo ra và cho ký sinh trong tử thi, e rằng không đơn giản vậy đâu. Theo các tư liệu mà tôi được tiếp xúc gần đây, tôi nhận ra trùng thuật có một điểm chung lớn nhất ..."
Tay tôi không ngơi nghỉ, vừa đập lũ đỉa áp đến bè vừa chống sào đẩy bè tiến lên, chỉ mong nhanh chóng ra khỏi núi Già Long, lúc này nghe Shirley Dương nói thế,tôi bỗng sững sờ, nhớ đến cái cảnh trong xưởng quan tài ở thôn Thạch Bi Điếm, liền không nhịn được buột miệng hỏi "Đặc điểm mà cô nói đến .. phải chăng là ... chuyển đổi?"
Shirley Dương nói :" Đúng thế. Hình như trùng thuật dùng linh hồn người chết làm trung gian, đưa oan hồn nhập vào một sinh vật khác, khiến sinh vật ấy vốn không độc hại gì biến thành một thứ vũ khí hoặc chất độc chết người. Đương nhiên đây mới chỉ là một phần núi băng mà chúng ta tiếp xúc được, lũ đỉa tạo ra từ trùng thuật cổ dưỡng trong xác người này chắc chắn không đơn giản là những con đỉa thông thường đâu, chỉ có điều thông tin chúng ta nắm được có hạn, chưa hiểu chỗ bí ảo thực sự trong thuật sử dụng trùng độc của Hiến vương, không hiểu rốt cuộc lão ta định giở trò gì đây nữa".
Tuyền béo nghe chúng tôi nói thế đâm lo :" Xem ra, cái bánh tông thiu của lão Hiến vương này thích ra đòn ngầm đây, lại cứ phải vong vo Tam quốc, hại người mà cũng không chịu chơi cho sảng khoái, không dùng đao kiếm mà lại dùng trùng thuật, con mẹ nó, khó nhằn ra phết đấy!".
Trong lúc chúng tôi nói chuyện thì bè đã trôi qua hết khúc sông thẳng tắp, vào một cái hang còn rộng hơn, ngập nước. Tôi quét đèn rọi khắp bốn bề, hang rộng bằng hai cái sân bóng đá, phía trước mặt có lối ra, dòng nước tiếp tục trôi ra đó. Tôi nhìn la bàn, thấy chỉ hướng Tây Nam, cũng tức là hướng đi không sai chệch gì, bèn để bè cứ tiếp tục trôi, chắc chắn cuối cùng sẽ ra khỏi hang động khổng lồ trong lòng núi Già Long rồi trôi vào sông Rắn ở Trùng cốc.
Lúc này không thể biết có bao nhiêu con đỉa đang bám dưới đáy nữa, bè hơi chìm xuống, nếu nặng thêm nữa, có khả năng nước sông ngập qua bàn chân, lúc ấy thì thảm rồi. Nhưng nếu nói dùng trùng thuật dưỡng ra bao nhiêu đỉa thế này vì muốn dùng trọng lượng đánh chìm các phương tiện giao thông như thuyền bè, thì e cách nghĩ này quá thộn, dù có tăng gấp đôi số đỉa bám vào bè cũng không thể chìm hẳn xuống được. Chỗ lợi hại trong tà thuật của Hiến vương chính là khiến người ta luôn luôn không thể lường được chiêu tiếp theo sẽ là gì.
Tính thời gian kể từ lúc thả bè đi trong này, ước chừng chúng tôi đã đi được hai phần ba hành trình dưới núi Già Long, chỉ cần gắng kiên trì thêm chút nữa, ra khỏi núi, lên bờ rồi thì khỏi phải sợ cái bọn thủy trùng này nữa. Vừa rồi vận hết sức lực dùng sào chống bè, tay chân cả bọn đều mỏi rã rời, không nhúc nhắc gì được nữa, thao tác đành chậm hẳn lại. Shirley Dương thả xuống nước chiếc phao có gắn khí áp kế để đo độ sâu, nước rất sâu, chừng mười ba mét, một độ sâu không lành.
Lối ra phía trước đã có bàn tay con người tác động sửa sang nên thẳng tắp, từ đây xuôi theo dòng, có lẽ chẳng bao lâu nữa có thể ra khỏi lòng núi Già Long một cách thuận lợi.
Nhưng khi bè chở ba chúng tôi đi được chừng một nửa cái hang khổng lồ này, bỗng có tiếng đá vụn va đập lục cục phát ra từ phía góc hang, hình như trong bóng tối có một vật to lớn nào đó đang dịch chuyển rất nhanh trên lớp nham thạch ở vách hang.
Shirley Dương nhắc tôi :" Anh Nhất mau chiếu đèn ra phía đằng này!"
Lúc này tôi mới nhớ ra chiếc đèn pha công suất lớn, vội vàng xoay chuyển góc chiếu. Khi luồng sáng lia đến khu vực đó, những tiếng đá lăn lạo xạo lục cục bỗng im bặt. Chúng tôi nhìn thấy trên đám nham thạch hình nấm có một con trăn to đùng vảy màu xanh đang nằm cuộn tròn nghểnh đầu về phía mình. Con trăn này lớn quá, cứ như một con rồng xanh khổng lồ không móng vuốt, dưới ánh đèn, lớp vảy nhấp nháy lên những tia sáng chẳng lành. Chắc nó đã sinh trưởng tai rừng sâu trong Trùng cốc, do loài mãng xà ưa môi trường râm mát nên coi cái hang động này thành ổ của nó, hàng ngày ra ngoài kiếm ăn rồi lại vào đây nằm ngủ khì, chẳng hiểu thế nào lại bị chúng tôi làm kinh động.
Con trăn khổng lồ hơi chững lại một chút, rồi bất thình lình thốc ra một luồng gió xoáy tanh nồng, trườn khỏi đám nham thạch hình nấm, thân hình đồ sộ đầy sức mạnh hoang dã của nó lướt qua khiến những khối đá hình nấm bắn tung tóe vô số đá vụn, trông càng giống như một con rồng lớn bị bao bọc giữa làn sương bụi trắng, lướt đi cùng cơn gió mạnh, nhào xuống nước với tốc độ cực nhanh. Con trăn khổng lồ vảy xanh lao xuống nước rồi mà vụn đá tung ra do bị nó chà qua nham thạch hình nấm vẫn chưa kịp rơi hết xuống, còn nó thì lặn sâu xuống nước, vun vút bơi về phía bè của chúng tôi.
...............................................................
bạn đang đọc truyện tại chúc các bạn vui vẻ
....................................................................
Chương 6: LƯỠI DAO
Vì sự việc xảy ra quá bất ngờ nên Tuyền béo không kịp nổ súng, tuy nhiên, với cỡ nòng của cây súng hơi "Kiếm Uy", thì dù nó biến thành súng máy cũng không thể gây nên vết thương nào chí mạng cho con trăn khổng lồ.
Sự thể đã thế này rồi, đương nhiên là không thể bó tay chờ chết, tôi, Tuyền béo và Shirley Dương cả ba đồng thanh hô lớn, rồi giơ tay cầm sào cầm báng súng mà chèo thục mạng, nào ngờ lũ đỉa bám dưới đáy bè quá nhiều, có lẽ phải nặng trên trăm cân khiến bè mớn nước quá sâu, không sao lướt nhanh được.
Nếu bị con trăn quái dị mình đầy vảy xanh kia quấn vỡ bè, chúng tôi mà rơi xuống nước thì chắc chắn là hết đường sống. Ba chúng tôi cầm sào chèo như điên, nhưng vì quá hoảng loạn, lực chèo không đồng đều cũng không khớp nhau, cho nên chiếc bè vốn dĩ đang chầm chậm trôi xuôi dòng thì giờ bị ba lực triệt tiêu lẫn nhau làm cho xoay tròn tại chỗ trên mặt nước.
Tôi bỗng nhớ lại hồi đi chiến đấu, có người bảo nếu ai ăn liền mười củ tỏi thì hổ và trăn sẽ sợ, không dám cắn, vội lần tìm trong túi hàng lý, rõ ràng là có đem theo hai củ tỏi để phòng muỗi và côn trùng đốt, thế mà lúc này lại tìm mãi không ra.
Kể thì hơi lâu nhưng sự việc diễn ra rất nhanh, chúng tôi chưa kịp có hành động gì thì dưới chân đã rung lên, cả chiếc bè bị hất bổng khỏi mặt nước. Thì ra là con trăn vẩy xanh ấy đã dùng cái đầu hình tam giác to bằng cái đấu gạo của nó đội cả cái bè lên.
Cái bè bị hất tung ra phía trước hơn chục mét, rồi nặng nề rơi xuống nước, nếu không có Tuyền béo bám chặt ở giữa thì bè đã lật rồi, nhưng dù thế, nó vẫn tròng trành dữ dội. Toàn thân tôi ướt sũng, chẳng rõ là tại nước bắn vào hay vì mồ hôi túa ra. Lúc này quên cả sợ, chỉ nghĩ bụng :" Con bà nhà nó, tre Vân Nam chắc thật đấy!".
Sau khi đội cái bè lên, con trăn khổng lồ vảy xanh lấp lánh lại cong mình lao xuống đáy nước, nhìn tư thế ấy đủ hiểu rằng nó đang chuẩn bị ra đòn tấn công lần thứ hai.
Còn nhớ ngày trước đi bộ đội hành quân qua núi cao rừng rậm tôi đã không ít lần nhìn thấy trăn to rắn độc, nhưng chưa bao giờ trông thấy con trăn có cái lối tấn công kỳ quái như thế này. Sao cứ phải dùng đầu húc vào đáy bè để làm gì, nó chỉ cần quấn chặt cái bè thì chúng tôi chắc chắn mất mạng.
Shirley Dương chợt tỉnh ngộ ra, kêu lên :" Con trăn muốn ăn lũ đỉa ở đáy bè, nó nhằm vào bọn chúng đấy!". Lũ đỉa giống như đàn sâu béo núc, giá trị dinh dưỡng rất cao, là món ăn vặt mà rắn nước và trăn nước rất khoái, nhưng ăn vặt xong rồi chắc chắn con trăn này sẽ lấy ba chúng tôi ra làm bữa chính, nó to xác như thế, có lẽ tôi, Shirley Dương và Tuyền béo chỉ vừa đủ cho nó xài một bữa.
Làn nước tăm tối vô cùng, cơ bản là không nhìn thấy gì hết, thế rồi hoa nước bắn tóe, cái bè bị húc bay lên lần thứ hai, lần này chúng tôi đã có kinh nghiệm, bèn vận hết sức bình sinh ghìm chặt để giữ cho bè thăng bằng, thế mà khi bè rơi xuống nước vẫn suýt nữa thì lật.
Trong óc tôi chợt lóe lên một ý nghĩ, có lẽ đám tượng người treo giữa sông không phải là cạm bẫy mai phục gì hết, mà chỉ là những nô lệ bị Hiến vương đem làm thức ăn nuôi loài trân này thôi, nếu không, chỉ ăn các động vật bình thường thì con trăn sao có thể to đến như thế? Nhưng đã gần hai ngàn năm trôi qua, trăn đâu có thể sống dai như vậy, có lẽ con trăn này chỉ là cháu chắt của con trăn mà Hiến vương nuôi thời ấy, cụ tổ của nó còn không biết to lớn gấp bao nhiêu lần, quả này chúng tôi đúng là chui vào đầm rồng hang cọp thật rồi!.
Cái bè tựa như lá sen trước gió, có thể tan rã bất cứ lúc nào, chúng tôi chỉ còn cách bám nó cho thật chặt, không thể đưa tay ra chèo chống hòng lướt đi chạy trốn gì nữa. Đám đỉa dưới đáy bè bị con trăn đớp liền hai lần, đã chẳng còn mấy con, còn con trăn thì rõ ràng chưa có ý kết thúc ở đây, nó quẫy một cái, rồi vươn cổ há cái mồm to như chậu máu nhằm về phía Shirley Dương ngồi ở đuôi bè mà bổ xuống ngoạm.
Tôi và Tuyền béo muốn đến cứu cô nàng nhưng không thể kịp. Shirley Dương đối phó rất nhanh, chẳng rõ từ lúc nào cô đã rút sẵn cái ô Kim Cang, thấy cái mồm to của con trăn vảy xanh đang áp tới mạn bên trái nhanh như chớp, liền bật ngay cái ô ra, vận hết sức chặn lại.
Cái mồm rộng của con trăn bị cái ô Kim Cang cong cong chặn lại, lực quai hàm mạnh mẽ hoàn toàn không thể thi triển, chỉ hất bổng Shirley Dương lên cao như một cánh diều đứt dây rồi văng xuống nước phía xa xa.
Tôi ngoảnh nhìn, chỉ thấy chiếc đèn chiến thuật gắn trên mũ bảo hiểm của Shirley Dương lóe lên trong nước rồi mất hút, hình như cô nàng đã chìm xuống dưới.
Trên bè, ngoài các trang thiết bị được cố định ra, thì trọng lượng của ba chúng tôi là yếu tố quyết định để giữ cho bè được thăng bằng, Shirley Dương vừa rơi xuống nước, cả chiếc bè liền chúi mũi xuống, đuôi từ từ vổng lên.
Mọi ngày tuy Tuyền béo thường hấp tấp vụng về nhưng vẫn là người đã được rèn luyện trong phong ba bão táp, trong lúc nguy cấp thấy bè sắp lật liền lộn người về phía sau rất nhanh, nằm ngay ra phía đuôi bè. Chỗ đó có chiếc ba lô leo núi, cộng với trọng lượng của Tuyền béo nữa, chiếc bè đang vổng chếch lên đã bị ghìm trở lại.
Tuyền béo nằm trên bè, trong lúc bối rối vẫn không quên làu bàu nguyền rủa, không ngờ còn kịp nhằm vào con trăn khổng lồ vảy xanh đang bơi dưới nước nã một phát đạn. Lực xuyên thấu của súng hơi "Kiếm Uy" rất mạnh, lại còn dùng đạn cỡ trung, bắn trúng ngay mắt trái con trăn, máu đỏ tươi túa ra.
Máu trăn hòa vào dòng nước, từ xa có thể ngửi thấy mùi thối tanh ghê tởm. Con trăn khổng lồ chưa từng bị ăn đòn nặng như thế này, liền nổi trận lôi đình, cuồn cuộn vùng vẫy như điên khiến hoa nước bắn tung tóe, nó giãy mình hết cỡ, quất mạnh về phía bè chúng tôi.
Chiếc đèn pha công suất lớn lắp ở mũi bè đã bị va đập tắt ngấm nên xung quanh càng tối hơn, con trăn thì băm bổ gồng mình lao về phía chúng tôi rất nhanh, đã thế thì đành chó cùng rứt giậu vậy. Chẳng rõ cây sào dùng khoát nước đã biến đâu mất, tôi cầm xẻng công binh khua nước chuyển hướng, cố để mau chóng đưa bè tránh xa con trăn, Tuyền béo thì đang luống cuống nạp lại đạn vào cây "Kiếm Uy".
Nhưng con trăn ấy quá đồ sộ, dẫu bè có được lắp động cơ chắc cũng không kịp chạy thoát. Phen này chắc nó định xuất chiêu chung cuộc, dùng thân thể cuốn nát chiếc bè bé nhỏ không đáng gì của chúng tôi.
Tôi gào lên với Tuyền béo :" Tuyền béo! Cậu làm cái mẹ gì mà rậm rà rậm rịt mãi thế, còn không nổ súng là anh em mình phải hy sinh oanh liệt ở đây đấy".
Tuyền béo nghiến răng trợn mắt, giờ mới nhét được viên bi sắt vào nòng khẩu "Kiếm Uy". Trên lý thuyết súng này có tốc độ bắn không hề thấp, những người được huấn luyện nghiêm ngặt có thể bắn mỗi phút hai mươi hai viên bi sắt. Nhưng trong tình thế hỗn loạn ngàn cân treo sợi tóc, gió giật thốc lá vàng như thế này, có thể nạp đạn để bắn phát thứ hai đã là cao thủ trên tài mọi người rồi.
Tuyền béo mặc kệ ba bảy hai mốt gì cứ thế giương súng bắn luôn, nhưng bè đang bồng bềnh dữ quá nên lỡ bắn trượt. Không thể nạp đạn gì nữa, cậu ta sờ thắt lưng rút luôn khẩu súng ngắn kiểu 64, tất cả các thao tác liên hoàn mở nắp bảo hiểm, gạt chốt an toàn, ngắm chuẩn và bắn chỉ hoàn thành trong chưa đầy một giây đồng hồ. "Pằng pằng pằng pằng ...", tất cả đều nhằm vào đầu con trăn.
Trong bóng tối không thể xác định có trúng mục tiêu hay không, đạn đã bắn hết, Tuyền béo giơ tay định ném súng đi nhưng chắc chợt nghĩ lại thấy tiếc khẩu súng phải bỏ tiền ra mua, đang định tìm thứ khác để tiếp tục tử chiến thì thấy con trăn quẫy một cái rồi quay đầu bơi ra xa.
Điều này thật sự là ngoài dự kiến của tôi và Tuyền béo. Chúng tôi đã tuyệt đường rồi, đều chuẩn bị nhảy xuống nước giao đấu trực tiếp, con trăn khổng lồ đang chiếm ưu thế áp đảo, tại sao lại bỏ cuộc chuồn đi? Chẳng lẽ nào nó lại sợ khí phách anh hùng hừng hực khắp người của hai chúng tôi?
Lại chợt nghe thấy tiếng cọ xát của vô số những miếng sắt hình lá vọng đến từ mặt nước phía Đông, tiếng sắt gỉ cọ vào nhau nghe thật khiến cho người ta phải lạnh cả gáy, chẳng khác nào cầm hai miếng nhựa sùi mà chà, quả là thứ âm thanh kích thích nhiều nhất đến thần kinh con người.
Bỗng bọt nước cạnh bè rẽ sang hai bên, ánh sáng đèn chiếu trên mũ bảo hiểm lấp lóa, hóa ra Shirley Dương bơi trở lai. Cô nàng xoa nước bám trên mặt, đôi môi tím ngắt vì nước lạnh, chưa trèo lên bè đã nói luôn :" Hai anh định bỏ mặc tôi ở dưới nước hay sao vậy?".
Thấy Shirley Dương đã thoát hiểm, tôi và Tuyền béo đều thở phào. Vừa nãy tình hình quá căng thẳng căn bản không kịp nghĩ đến chuyện gì khác, tôi vội nói với cô :" Sao lại thế được? Tổ chức vừa định cử đồng chí đi cứu cô, nào ngờ cô đã tự bơi về được rồi, về cơ bản là chẳng có cơ hội để các đồng chí được thể hiện đấy chứ!". Tôi đưa tay ra kéo Shirley Dương lên bè. Trong cuộc hỗn chiến vừa rồi, chiếc ô Kim Cang do ông ngoại Shirley Dương truyền cho không ngờ lại không rơi mất dưới nước, ngược lại vẫn được giữ chắc trong tay cô nàng.
Tiếng những lá sắt cọ xát vào nhau rít lên mỗi lúc một to và nhanh hơn, mặt nước ở hướng con trăn vảy xanh vừa bơi đi sôi sùng sục, hình như có những con gì đó đang đánh nhau kịch liệt.
Đèn pha đã bị đập vỡ, nên chúng tôi không thể nhìn thấy gì ở đằng xa, nhưng dùng đèn chiến thuật gắn trên mũ soi xuống nước ở chỗ gần thì thấy nước toàn một màu đỏ sẫm, vùng nước đã bị một lượng lớn máu tươi nhuộm thành màu đỏ.
Chúng tôi không dám chần chừ một giây nào nữa, vội cầm xẻng công binh khua nước, lái ngoặt mũi bè lại, nhằm hướng cửa hang xông ra, phía sau lưng, tiếng những lá sắt cọ xát mỗi lúc một dữ dội hơn.
Dù sao đi nữa, chưa thấy rõ thì chưa yên tâm, Shirley Dương giơ súng bắn pháo hiệu nhằm về hướng có tiếng động bắn một quả hòng chiếu sáng, mặt nước phía xa xa bị đạn quả pháo hiệu to như chiếc đèn lồng màu trắng soi rõ như ban ngày. Chúng tôi nhìn thấy đàn cá vảy vàng to bằng bàn tay, nhiều vô kể, đang vây kín con trăn khổng lồ vảy xanh, mồm lũ cá ấy đều có hai hàm răng lởm chởm sắc nhọn như răng cưa, chúng đang ngoạm xé cả thịt lẫn da con trăn.
Phải nói rằng đó là một đàn cá cực lớn, có đến hàng ngàn con, chúng lồng lộn băm bổ vây lấy con trăn mà rứt thịt, máu chảy càng nhiều thì lũ cá càng hăng, cứ thế ngoạm như điên. Hổ dữ mấy cũng khó địch nổi cả đàn sói, chưa đầy nửa phút, con trăn vảy xanh đã bị đàn cá như ác quỷ gặm sạch trơn, không còn một mảnh xương.
Thì ra tiếng lá thép cọ xát là do răng của lũ cá này phát ra, vẻ mặt Shirley Dương chợt biến sắc, luôn miệng bảo tôi và Tuyền béo mau chèo cho nhanh :" Mau chèo đi, đó là cá rắn viper, cá rắn viper! Chúng thấy máu là phát điên lên đấy!"
Dù Shirley Dương không nhắc chúng tôi cũng không dám ngơi tay, con trăn to như con rồng xanh mà bị lũ cá rắn viper đánh chén như một bữa gà tây, cả phản kháng cũng không phản kháng được, đàn cá này lại đông vô kể, tuyệt đối không thể địch nổi, chỉ còn cách mau chóng cho bè ra cửa hang mới có hy vọng sống sót, vì nói cho cùng, cá rắn viper không có chân!
Có lẽ đàn cá rắn viper thấy máu là phát cuồng này tụ tập ở một nhánh sông ngầm gần đây, vì chúng tôi bắn con trăn, máu trăn loang ra, mới dẫn dụ đàn cá rắn viper lớn này đến. Thiên nhiên vẫn là thế, vỏ quýt dày móng tay nhọn, cái đạo lý tương sinh tương khắc đã diễn ra trong hang đá này vô cùng sinh động. Chẳng rõ sinh vật nào là thiên địch của cá rắn viper, nhưng chắc chắn không phải là những người như chúng tôi, ở trong nước, chúng tôi chỉ còn biết chuồn lẹ mà thôi.
Cảnh tượng máu thịt nhòe nhoẹt vừa nãy khiến Tuyền béo khiếp sợ tái mặt, cậu ta gồng mình vung xẻng công binh lên chèo, nói :" Mau chuồn, mau chuồn thôi! Tôi sợ nhất là lũ cá ăn thịt người. Hôm nay xuất hành không chọn ngày, đúng là ghét của nào trời trao của ấy!".
Tôi và Shirley Dương cũng vận hết sức lực toàn thân để tăng tốc tối đa cho cái bè. Tôi vừa cầm xẻng khua nước vừa nói với Tuyền béo :" Tôi cũng như cậu thôi, sợ nhất là cái loại cá này, hôm nay mà thoát thân được thì tôi thề với Phật tổ rằng đời tôi từ giờ không bao giờ ăn một miếng cá nào nữa!".
Tuyền béo nói :" Đúng, đúng! Tôi sợ nhất là ăn cá, rồi đến sợ nhìn thấy máu, mẹ kiếp, nhất là nhìn thấy máu mình ..."
Tuyền béo nói chưa dứt lời thì đã nghe tiếng lá sắt cọ xát tiến lại gần, và ở ngay quanh bè của chúng tôi, dưới đáy bè vọng lên tiếng răng nghiến gặm nhấm kèn kẹt, tóc tai tôi thảy đều dựng ngược hết cả lên!
Có lẽ dưới đáy bè vẫn còn bám một ít đỉa mà con trăn vảy xanh chưa ăn hết, vậy là lũ cá rắn viper vớ bở, nhưng dây nhợ buộc bè cũng bị hàm răng sắc như răng cưa của chúng gặm nát.