- Hiện nay có rất nhiều Wap giả mạo KhoTruyenHay.Info, vì vậy các bạn hãy nhớ trang Wap đọc truyện tình yêu, truyện tình cảm, truyện ngắn online, tiểu thuyết tình yêu cập nhật miễn phí hay nhất tại KhoTruyenHay này nhé!
Thông Báo: Tên miền KhoTruyenHay.Info chính thức được sáp nhập vào địa chỉ cũ là KhoTruyenHay.Sextgem.Com vào ngày 18/08/2015. Hãy lưu lại địa chỉ KhoTruyenHay.Info để tiện việc truy cập nhé!
Các bạn hãy Click vào Tham Gia Nhóm của KhoTruyenHay.Info trên FaceBook để giao lưu cùng mọi người nhé!
Chương 7: BĂNG NÚI VƯỢT SÔNGTiếng lá sắt cọ xát tựa như sóng thuỷ triều nối nhau không ngớt xô đến dưới chân chúng tôi. Chiếc bè này được buộc chắc chắn nhưng cũng không trụ nổi trước đàn cá rắn viper như lũ ma đói đầu thai này.
Chúng tôi trong lúc hoảng loạn chỉ còn cách dùng xẻng công binh đập đám cá bơi đến gần. Tôi vừa vung xuống nước một xẻng, cái xẻng công binh đã bị bọn cá rắn viper như chó dại ấy ngoạm chặt, tôi vội vung xẻng lên hất văng hai con cá đang cắn chặt răng vào lưỡi xẻng ra, cúi đầu nhìn một cái, mồ hôi không khỏi túa ra khắp người, trên bề mặt lưỡi xẻng bằng thép cao cấp không ngờ đã hằn rõ mấy hàng vết răng cá cắn chồng chéo lên nhau.
Có điều đây mới chỉ là vài con bơi đến trước tiên, đàn cá rắn viper đông đúc đang rào rào ập đến, nếu không có cách gì hữu hiệu thì bè của chúng tôi sẽ bị chúng gặm nát chỉ trong vòng vài chục giây.
Bè của chúng tôi vẫn còn cách cửa cái hang khổng lồ này hơn chục mét nữa, giờ đã bị đàn cá rắn viper bao vây kín, không thể chèo chống gì. Chỉ hơn chục mét cuối cùng mà dài chẳng khác gì địa ngục, có lẽ chúng tôi chẳng bao giờ tới đó được.
Tuyền béo lo lắng kêu lên :" Lần này chúng ta tiêu đời rồi. Mẹ kiếp, tôi không muốn làm mồi cho cá đâu. Súng của cậu còn đạn chứ? Mai cho tôi một phát giữa tim, tôi thà bị bắn chết còn hơn là bị lũ cá ăn thịt người này xơi tái!".
Lúc này tôi cũng hơi hoảng loạn, nghiến răng đáp lời :" Được! Sẽ làm thế. Tôi bắn cậu chết trước, sau đó sẽ tự sát. Chúng ta nhất dịnh không thể sống mà rơi vào tay kẻ địch".
Đúng lúc sinh tử chỉ quyết trong một đường tơ này, Shirley Dương bỗng hết sức trấn tĩnh nói với hai chúng tôi :" Kìa hai anh sao lại hèn thế? Mọi ngày thì ba hoa một tấc đến trời, oái oăm đủ trò, ngang ngạnh hết cỡ, không coi mọi sự trên đời này là gì. Giờ còn chưa đi qua núi Già Long, mới gặp một chút khó khăn đã muốn tự sát là thế nào, xem xem mai kia trở về còn mặt mũi nào nói dài nói ngắn với người khác nữa không. Bây giờ tất cả nghe tôi chỉ huy!".
Dứt lời Shirley Dương rút súng bắn liền mấy phát vào chỗ đám cá rắn viper đang tập trung đông nhất. Nước sông thoáng chốc bị máu cá nhuốm đỏ, bọn cá rắn viper thấy máu tươi, bất kể có phải là đồng loại hay không, điên cuồng lao đến cắn xé những con cá bị thương, nguy cơ bè bị cắn nát đã tạm thời bị đẩy lui.
Shirley Dương không thèm cất súng đi nữa, buông thẳng tay cho khẩu súng ngắn kiểu 64 rơi luôn xuống nước, dồng thời sẵn tay cầm chiếc móc phi hổ ngắm ném về phía nham thạch hình nấm trắng ở phía cửa hang, dây cáp móc vuốt hổ đánh đai mấy vòng quanh tảng đá, vuốt hổ đã bấu chặt vào đá.
Shirley Dương bảo tôi và Tuyền béo nắm lấy dây cáp rút lại, kéo cho bè mau chóng ra đến cửa hang, cả ba chúng tôi cùng kéo, tốc độ đã nhanh gấp mấy lần so với lúc trước chèo bằng xẻng công binh. Khi còn năm sáu mét nữa, Tuyền béo bắt đầu lần lượt quăng lên bờ những chiếc ba lô leo núi đựng chặt cứng trang thiết bị, cả hai cái vợt bắt côn trùng cũng ném lên luôn, mỗi cái ba lô nặng đến hơn hai chục cân, bớt được một cái là bè đi nhanh thêm một chút, tốc dộ theo đso càng lúc càng nhanh hơm.
Tiếng lá thép cọ xát lại rộ lên, đàn cá rắn viper đang ào ào đuổi đến như lũ dòi bu lấy khúc xương, chúng tôi không dám nấn ná trên bè nữa, lập tức nhảy vọt lên đám nham thạch hình nấm cạnh bờ nước, vừa hạ chân xuống thì dây buộc bè tre ở phía dau đứt tung, bè vỡ, các thanh tre trôi đi, và chiếc đèn rọi đã hỏng cũng chìm nghỉm luôn.
Đàn cá rắn viper đã chén sạch đám đỉa bám ở những thanh tre, nhưng vẫn quanh quẩn ở đây không chịu bơi đi, nhìn lũ cá lồng lộn nhao đi nhao lại, tôi bất giác thở hắt ra một hơi, cuối cùng cũng không thành mồi cho cá, nếu không chưa thấy mộ Hiến vương thì đã chết oan ở cái sơn động này rồi.
Tuyền béo đứng bên cạnh bỗng kêu lên :" ỐI giời ôi, chết rồi, ba lô rơi xuống nước rồi!".
Tôi thuận mắt nhìn theo và cũng phát hoảng, lúc nãy quăng chiếc ba lô cỡ đại lên bờ, vẫn còn chưa kịp kéo leê, chiếc thứ nhất vì ném từ khaỏng cách xa nên rơi sát mép nước, các thứ nhét trong đó rất nặng, đám đá vụn bên bờ nước không giữ nổi, nên đã lăn ngược xuống nước. Đằng ấy lại không có chỗ nào đặt chân, muốn vớt thì buộc phải lội xuống nước, chiếc ba lô sắp bị nước cuốn đi đến nơi, mà đàn cá rắn viper thì vẫn quanh quẩn ở đây để chờ phục kích.
Trước khi xuất phát, chúng tôi đã phân loại các trang bị khí giới, trong ba lô này có bình xịt propane, có thể phối hợp với bật lửa để phun ra ngọn lửa lớn gấp hai đến ba lần, vì không dễ gì mua nổi, nên chúng tôi chỉ kiếm được một bình này, chuẩn bị để đến lúc đổ đấu sẽ lấy ra phòng bất trắc. Trong ba lô còn có sáu bình oxy kiểu có thể nạp thêm, to bằng bình nước uống, lại có cả thước đo độ sâu, kính lặn và máy thở nữa ... đều là những thiết bị dưới nước không thể thiếu khi đổ cái đấu Hiến vương ở giữa hồ. Vì ba lô ấy chứa không ít các thiết bị nạp đầy chất khí nên nó tạm thời chưa bị chìm xuống đáy nước.
Nếu để mất chiếc ba lô này, chúng tôi chi bằng sớm cúp đuôi, đánh chiêng thu quân, quay về cho xong. Shirley Dương thấy thế cũng rất lo lắng, cô nàng định quăng móc phi hổ để câu chiếc ba lô kéo về, nhưng móc phi hổ đang bám chặt vào vách đá, nhất thời không thể gỡ xuống được.
Tôi biết nếu chần chừ thêm nữa, chỗ thiết bị ấy sẽ bị nước đẩy đi mất hút, trong tay chỉ có chiếc xẻng công binh, thấy trên vách hang chênh chếch có một khe nứt, tôi không nghĩ ngợi gì nhiều lấy luôn cái xẻng công binh làm nêm, dựng lưỡi xẻng lên chọc thẳng vào khe hở, rồi kéo mạnh sang ngang khiến nó mắc chặt vào khe đá. Đưa tay ra lay thử thấy đã khá chắc chắn, tôi bèn nhoài ra treo người lơ lửng trên mặt nước, một tay nắm chặt cái cán xẻng hình tam giác, tay kia thò xuống nắm chiếc ba lô đang vừa khéo trôi đến nơi.
Ba lô nắm chắc trong tay, tôi mới thấy nhẹ cả người, nào ngờ bỗng nhiên có một con cá rắn viper từ dưới nước vọt lên há cái mồm đầy răng sắc nhọn như lưỡi cưa của nó đớp một phát vào mu bàn tay tôi.
Thịt trên mu bàn tay tôi lập tức bị rứt luôn một miếng, đau đến nỗi toàn thân run lên một chặp, suýt nữa thì rơi xuống sông. Mặc dù bị một cú đau, tôi vẫn không buông chiếc ba lô ra. Tiếp đó lại có vài con cá rắn viper dùng chiêu "cá chép vượt long môn", đua nhau nhảy vọt lên đợp tôi. Người treo lơ lửng, tay nắm chiếc ba lô quá nặng, tôi căn bản không thể nào né tránh.
May mà được Tuyền béo và Shirley Dương ở phía sau kịp kéo vào, tôi mới thoát không bị lũ cá ấy phanh thây xẻ thịt. Tôi lau mồ hôi lạnh túa ra trên trán, nhìn vết thương trên tay trái, cũng may là không nặng, chỉ bị rứt mất một mẩu thịt bên ngoài, mặc dầu máu chảy không ngừng, nhưng gân cốt thì không sao hết.
Shirley Dương vội vàng bôi thuốc và băng bó giúp tôi :" Anh thật chủ quan, tính mạng quan trọng hơn hay thiết bị quan trọng hơn? Mất đống thiết bị thì cùng lắm cứ để Mộc trần châu nằm trong mộ Hiến vương vài ngày nữa, chứ mất mạng thì đâu phải chuyện chơi!".
Tôi nói với Shirley Dương và Tuyền béo :" Chỉ bị đau tí thôi, có là gì đâu, nếu hôm nay thằng này không thể hiện chút kỹ thuật thì e cố vấn người Mỹ sẽ nói tôi bất tài, phải không Tuyền béo?".
Tuyền béo cười nói :" Cậu làm cái trò vặt ấy đâu đáng gọi là bản lĩnh gì? Chờ được vạ thì má đã sưng, tự để cho cá đớp một miếng to. Đại tướng của chúng ta sẽ đánh trận sau, lúc nào đến mộ Hiến vương, cậu sẽ thấy tài nghệ của Tuyền béo tôi đây, hai người sẽ được mở rộng tầm mắt, sẽ biết thế nào là 'ra ngoài lắm kẻ còn giòn hơn ta".
Shirley Dương rắc bạch dược Vân Nam lên vết thương của tôi để cầm máu, rồi dán băng cầm máu lên, sau đó còn dán băng chống nước phủ ngoài vết thương để phòng dính nước sẽ bị viêm nhiễm, sau cùng cô nàng còn định tiêm cho tôi một mũi penicillin nữa.
Tôi vội xua tay :" Không, không! Tôi chỉ đau nhẹ, không thể rời hỏa tuyến, vả lại nhìn thấy kim tiêm tôi chóng mặt lắm. Chúng ta lại không đem theo nhiều thuốc kháng sinh, cứ để dành đã".
Shirley Dương không thèm nghe tôi phân bua, bảo Tuyền béo đè tôi xuống đất, ép tiêm bằng được mới thôi. Chúng tôi kiểm tra lại phương hướng, thấy đường men bờ sông vẫn miễn cưỡng đi được, bèn đeo các trang thiết bị lên người, chuẩn bị bắt đầu đi xe "căng hải", men theo con sông đào dưới lòng đất này đi ra.
Chúng tôi đi dọc theo sông đào, nhận thấy con đường thủy phục vụ cho công trình lăng mộ Hiến vương này có quy mô không phải hạng xoàng. Vốn cho là Hiến vương chỉ là một ông vua tép riu tách ra từ nươc Điền cổ đại, quy mô lăng mộ của ông ta không thể nào lớn được, nhưng chỉ riêng con sông chảy xuyên lòng núi này đủ cho thấy vị Hiến vương có tài dùng thuật trùng độc này thật sự quyền thế che trời, thế lực không tầm thường chút nào. Quy mô của lăng mộ xây dựng trong "thủy long huân" chắc hẳn cũng vượt xa sức tưởng tượng của chúng tôi.
Chúng tôi tiếp tục tiến sâu vào sơn động tối om, đi bộ gần một giờ nữa, bỗng gặp một đoạn bờ sông sạt lở, vừa đặt chân đá vụn đã lăn rào rào xuống nước, căn bản không thể đi được, xem ra con đường này không thể đi tiếp được nữa.
Chúng tôi đành tìm một ngách hang khác, đi xuyên qua đó. Không bao lâu sau, bỗng nghe thấy tiếng nước chảy ầm ầm ở phía vách núi đối diện, rõ ràng có tiếng nước chảy mà không tìm đâu ra lối, chúng tôi giơ đèn pin mắt sói soi xung quanh để tìm đường, nơi đây là tầng địa mạo hình thành bởi dung nham thiên nhiên nằm trong lòng núi, trên những mảng đá khổng lồ có rất nhiều hốc lớn hốc nhỏ.
Tìm hồi lâu mới thấy một cái lỗ vừa đủ một người chui lọt, chúng tôi bèn dùng dây thừng leo núi chuyên dụng buộc ba lô kéo lê phía sau, lần lượt chui qua, cuối cùng cũng thấy một thác nước rất lớn. Vị trí của cái lỗ mà chúng tôi vừa chui ra nằm dưới chân thác nước, mé đối diện lại có một dòng chảy nhập vào con sông dưới chân thác nước. Nhìn theo hướng nước chảy, thấy xa xa có ánh sáng nhàn nhạt, có lẽ lối ra ở chỗ đó.
Shirley Dương nói với tôi :" Có lẽ dòng chảy đổ về cái thác này mới là đường thủy mà dân địa phương phát hiện ra trong quá trình khai thác đá, nhìn địa mạo lòng sông quanh đây thì chắc mới hình thành không đến vài chục năm đâu, nếu thời xưa đã có một con sông thế này thì khi xây mộ Hiến vương họ khỏi phải đào sông trong lòng núi Già Long làm gì.
Tôi nói với Shirley Dương :" Loại địa mạo này là do quanh năm bị nước xói mòn mà hình thành, ngày trước tôi làm lính công trình nên cũng có chút hiểu biết, những nơi như thế này, sâu bên dưới núi đã bị rất nhiều chi lưu của sông Lan Thương xối qua thủng lỗ chỗ, có chỗ nước sâu đến vài trăm mét. Cho nên dòng chảy trong sơn động rất hay đổi hướng, nếu chảy xuống chỗ thấp, lại xô đổ một tảng đá thì sẽ sinh ra một dòng chảy mới, cứ đà này sớm muộn gì núi Già Long cũng sẽ có ngày sụp đổ".
Ba chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện, cứ nhằm nơi có ánh sáng mà tiến bước. Nửa đường nhìn thấy trên vách đá cao cao có một số huyệt động bố trí có hàng có lối, rất giống hang nhân tạo. bên dưới vách đá còn có bậc thang rõ ràng, trên mặt đất thỉnh thoảng xuất hiện những bộ hài cốt mục ruỗng, còn có cả binh khí, áo giáp nữa, tất thảy đều cũ nát chẳng còn hình dạng gì ra hồn.
Tình trạng ở đây rất khớp với lời miêu tả của chị chủ quán trọ Thái Vân, có lẽ chính là nơi một số loạn dân đã dùng làm cứ điểm để chống lại quan binh. Vì ở môi trường ẩm ướt cho nên vật dụng đều đã mục nát hết cả, rất khó nhận ra thuộc thời nào triều nào. Nhìn mức độ mục ruỗng của hài cốt và kiểu dáng của binh khí khôi giáp, chỉ có thể đoán có lẽ thuộc về thời kỳ đầu nhà Thanh.
Xưa nay chúng tôi vào núi đổ đấu đều đi bộ, nên không quản ngại trèo đèo lội suối, vả lại đi hay nghỉ có thể tùy ý mình, mặc dù trong lòng núi Già Long này phải bỏ thuyền cuốc bộ, mỗi người còn phải đeo vác rất nhiều trang thiết bị nặng nề, song vẫn chưa hề thấy gian khổ gì, có điều vừa rồi đã trải qua mấy phen kinh hãi nên ai nấy đều mong sớm ra khỏi sơn động, vì vậy cũng không mấy để tâm đến các di tích ấy nữa mà mau chóng đi qua.
Đi men theo dòng nước cho đến chỗ tận cùng, nước sông vẫn chảy về phía trước, nhưng lại chảy ngầm dưới đất. Hang động này thấp hơn đáng kể so với mặt đất bên ngoài, cho nên đứng ngoài không thể nhìn thấy dòng sông lớn chảy trong lòng núi được, chúng tôi tiếp tục trèo một đoạn dốc chồng chất nham thạch, thấy phía trước sáng hẳn lên, vậy là đã vượt núi Già Long thành công.
Ra đến bên ngoài, ngoái đầu lại nhìn, mới thấy cả bọn ba người đang đứng dưới chân vách nhọn cheo leo cao ngất của núi Già Long, ở chỗ cao nhất trên đỉnh, tầng mây dày nặng mịt mù.
Nhìn về phía trước, thấy bốn bề đều là những dãy núi trập trùng, ở giữa thấp dần, toàn là rừng nguyên thủy um tùm rậm rạp, có rất nhiều loài kỳ hoa dị thảo không biết nên gọi chúng là gì. Lại có những thung lũng sâu với vô số khe lạch, dòng suối hồ đầm hiểm ác. Có thung lũng nhìn vào có thể thấy rõ từng ngọn cỏ cành hoa, nhưng nhìn kỹ thì rất thâm u khó lường, nhìn sâu hút mãi, mắt lại thấy tối sầm, lại có nơi bị mây mù phủ kín, rất đượm nét mơ màng và thần bí.
Tôi giở tấm bản đồ da người ra, xác định lại lối vào Trùng cốc.
Tuyền béo giương ống nhòm quan sát rừng cây bên dưới, nhìn mãi hồi lâu, bỗng kéo tôi một cái rồi đưa ống tôi nhòm :" Khỏi cần xem bản đồ nữa, ở mé bên kia có rất nhiều bướm to màu vàng, chắc chắn sơn cốc chúng ta cần tìm là ở chỗ đó".
Chương 8: RỪNG RẬM
Nghe Tuyền béo nói đã phát hiện ra lối vào Trùng cốc, tôi và Shirley Dương đều giương ống nhòm nhìn theo hướng tay cậu ta chỉ, thấy ở dưới dốc núi xa xa là một vùng rộng lớn những cây hoa rừng vàng trắng đan xen, giữa rừng hoa ấy có đàn bướm phượng vĩ màu vàng đang dập dờn bay lượn. Loài bướm này có thân mình khá to, chúng kết bầy bay qua bay lại nhưng từ đầu chí cuối cũng không bay khỏi rừng cây hoa ấy.
Shirley Dương trầm trồ :" Những cây hoa kia có lẽ là lan hồ điệp, không ngờ lại thu hút được rất nhiều bướm phượng vĩ hoàng kim ... cả bướm kim đới phượng ... còn có cả bướm kim tuyến đại thái rất hiếm gặp nữa, trông như những đám lá của cây vàng bị gió thổi đung đưa trong vườn hoa bên bờ biển Aegean của các vị thần trong thần thoại Hy Lạp ấy".
Tôi không hiểu gì về loài bướm, giương ống nhòm nhìn hồi lâu, ngoài bươm bướm và cây cối hoa lá ra, chẳng thấy dấu hiệu của sơn cốc, khê cốc gì hết. Thảm thực vật ở đây quá dày, che kín mít mọi địa hình địa mạo, không thể nhận ra đâu là thung lũng đâu là khe suối, nhìn từ trên xuống, thấy cao thấp nhấp nhô, tất cả đều là những thực vật rậm rịt đặc trưng của vùng cận Bắc chí tuyến, rất khác với rừng rậm nguyên thủy ở Đại Hưng An Lĩnh mà chúng tôi quen thuộc.
Vẫn có câu " cây trội giữa rừng, ắt bị gió quật". Tán cây ở Đại Hưng An Lĩnh thường cao xấp xỉ nhau, các loài cây có thể hợp sức để chống chọi gió lớn. Còn đây là vùng đất có nhiều sông núi vây quanh, bồn địa thung lũng nằm giữa có địa thế trũng thấp, mặt khác, Vân Nam bốn mùa như nhau, không có khí hậu gió mùa, những nơi càng thấp thì càng ẩm ướt triền miên, nhiệt độ cả năm đều giữ ở khoảng 25-30 độ C, quanh năm chẳng có một cơn gió, cho nên các loài thực vật cứ thả sức mà sinh trưởng. Trong rừng rậm, các loài cây leo thân to, thân gỗ và thân thảo tùy đặc tính của mình mà mọc cao thấp khác nhau, lô nhô xen kẽ, cao nhất là cây chò chỉ nổi tiếng của Vân Nam, cây này vốn chỉ có ở phía Nam chí tuyến Bắc, nhưng địa thế của vùng núi này thấp trũng nên cũng mọc không ít cây chò chỉ đội trời đạp đất.
Chỉ có một số ít hồ đầm tương đối lớn mới không bị cây cối che phủ, những vùng càng sâu xa heo hút lại càng nhiều mây mù bao phủ, đứng xa nhìn không thể nhận ra điều gì.
Tóm lại là không thể chỉ vì nhìn thấy những đàn bướm vàng cỡ đại kia mà chủ quan tiến vào rừng rậm, mức độ phức tạp của rừng rậm nơi đây khó có thể dùng lẽ thường mà suy đoán được.
Bản đồ bằng da người được vẽ từ thời Hán, truyền đến ngày nay đã cách hai ngàn năm, những đặc trưng về địa hình địa mạo mà nó ghi chép nay đã biến đổi khác hẳn, ngoại trừ một số vật mốc và địa điểm đặc biệt ra, thì không thể dùng bản đồ này để tham chiếu chính xác được.
Theo như lão mù nói thì cách đây vài chục năm, đoàn lực sĩ Xả Lĩnh của lão đã mang theo thuốc nổ thô sơ tiến vào Trùng cốc - chính là khu vực phía trước khê cốc hình thành bởi sông Rắn - khi ấy đã trông thấy một đàn bướm rất lớn.
Nhưng ai dám đảm bảo rằng ngoài Trùng cốc ra các nơi khác đều không có bươm bướm, cho nên tạm thời chưa thể xác định nơi ấy chính là lối vào Trùng cốc, nhất thiết phải tìm ra đặc điểm mà lão mù nói: trong sơn cốc có một đoạn tường đổ nát. Đó là di tích của một bước tường cổ xây trên sông Rắn, hình như là một cái đập dùng để ngăn nước sông trong khi xây mộ Hiến vương, sau khi Hiến vương nhập liệm, liền bị đập đi, khôi phục lại "thủy long huân" trước mộ ông ta.
Chỉ khi tìm thấy đoạn tường đổ ấy thì mới có thể coi đó là căn cứ để xác định vị trí của Trùng cốc, biện pháp chắc ăn hơn cả là làm như đoàn lực sĩ Xả Lĩnh năm xưa, ra khỏi núi Già Long, đừng vội tiến vào rừng, mà đi dọc theo mạch núi tiến lên phía Bắc để tìm sông Rắn, sau đó đi dọc theo sông Rắn tiến vào sơn cốc, như vậy có thể bảo đảm không đi chệch đường.
Tuyền béo nói vẫn còn một cách khác, đó là lại lần vào nhánh sông đào bên trong núi Già Long, đi dọc theo đường sông cổ ấy để tìm sông Rắn. Nhưng vì thượng du sông Lan Thương mưa nhiều, các nhánh sông lớn nhỏ nối liền với nhau, thành ra vô cùng phức tạp, thậm chí còn có khả năng đã thay dòng chảy xuống lòng đất, con sông cổ sớm đã bị xác thực vật và bùn đất lấp kín, cho nên phương pháp mà Tuyền béo nói không khả thi chút nào.
Ba chúng tôi bàn bạc một hồi, xem đồng hồ, lúc này là ba giờ rưỡi chiều. Khoảng 9 giờ sáng nay chúng tôi bắt đầu đi bè tiến vào núi Già Long, cho đến giờ vẫn chưa hề nghỉ ngơi, vì vậy bèn quyết định coi chỗ này là điểm chuyển tiếp, nghỉ ngơi hai mươi phút, sau đó sẽ đi lên hướng Bắc, tranh thủ tìm được lối vào Trùng cốc trước khi mặt trời lặn, rồi cắm trại ở đó, sớm mai sẽ tiến vào.
Chúng tôi tìm một chỗ tạm bằng phẳng ở dốc núi ngồi xuống, ăn một ít bánh tẻ và thịt bò cho đỡ đói. Tuyền béo nhắc đến lũ cá ăn thịt người, nghĩ đến cái hồ trong núi máu me đỏ lòm chẳng khác gì "huyết trì" ở địa ngục trong truyền thuyết ... tôi phát ớn chẳng thiết ăn gì nữa. Tôi bỗng thấy chột dạ, nghĩ rằng lỡ mà đàn cá răng sắc hơn răng cưa ấy lại xuôi theo dòng rồi bơi vào sông Rắn thì sẽ phải làm sao đây? Nếu dưới nước có lũ cá ấy thì chúng tôi không thể nhảy xuống chui vào mộ Hiến vương được.
Shirley Dương nói :" Đừng lo! Trước đây tôi làm phóng viên ảnh của tạp chí địa lý, đã từng đọc rất nhiều tài liệu về các loài động thực vật, cá rắn viper có mặt ở Ấn Độ, Myitkyina, Lào của châu Á và những vùng sông nước gần chí tuyến Bắc và các khu vực vĩ độ 20 của châu Mỹ".
Trong đó thì Ấn Độ cổ là có nhiều nhất, kinh Phật chép rằng Ấn Độ thời A Dục Vương trị vì, từng có năm cá rắn viper đã trở thành mối đại họa. Năm ấy vừa đúng dịp sông Hằng dâng nước lũ lớn trăm năm chưa từng thấy, một dòng sông chảy ngầm dưới dãy núi Ghats Đông tràn vào một tòa thành gần đó, vô số người và gia súc đã bị làm mồi cho cá.
Tổ tiên của cá rắn viper là cá lợn răng hổ sống vào thời kỳ hậu băng hà. Chúng sống ngoài đại dương, thân mình có bộ phận phát sáng, một đàn cá lợn răng hổ có thể trong nháy mắt hạ gục một con Basilosaurus, là bá chủ đại dương thời ấy. Về sau, những biến đổi to lớn của thời kỳ kế băng hà đã khiến loài cá này bị thiên nhiên đào thải một cách tàn khốc, hậu duệ của chúng là cá rắn viper cũng dần biến thành cá nước ngọt.
Cá rắn viper ghê gớm thật nhưng lại có một nhược điểm rất lớn. Chúng chỉ có thể sống ở vùng nước có nhiệt độ tương đối thấp, quanh chí tuyến Bắc chỉ có những vùng nước lạnh trong các hang đá là thích hợp để chúng sinh tồn, ở những vùng nước ấy có một loài tôm vỏ cứng không mắt, nhiều vô kể, nhưng vẫn không đủ cho lũ cá này ăn, cho nên cũng thường xảy ra những cuộc tàn sát nội bộ. Một đàn cá rắn viper đông đúc, sau tháng Chín hàng năm thường chỉ có 1% sống sót đến thời kỳ đẻ trứng cuối cùng.
Trung thu trăng tròn mỗi năm là thời kỳ cá rắn viper đẻ trứng, bản thân chúng không thể sinh tồn ở nơi quá nóng, nhưng lý do chúng sống ở vùng gần chí tuyến Bắc hơi ấm là bởi chúng phải đến miền nước ấm để đẻ trứng. Đẻ trứng xong, cá rắn viper chết luôn, trứng cá được ủ trong nước ấm để phát triển, nở thành cá con rồi lại bơi về vùng nước lạnh tiếp tục sinh tồn.
Môi trường sống khác thường của cá rắn viper khiến chúng trở nên ít ỏi, không gian sinh tồn rất hẹp.
Mùa này không phải kỳ đẻ trứng của chúng, cho nên khỏi phải lo chúng bơi ra ngoài hang động, nhưng lúc trở về thì phải thận trọng. Vì lượng mưa quá lớn, đường thủy trong núi Già Long thông nhau như mạng nhện, nếu trở về theo đường cũ không chừng sẽ gặp phải chúng ở một chỗ nào đó trong sơn động cũng nên.
Nghe Shirley Dương giải thích tường tận về cá rắn viper, tôi và Tuyền béo mới hơi yên tâm. Tuyền béo cảm thấy lúc nãy mình tỏ ra nhút nhát, giờ muốn gỡ lại thể diện, bèn nói với tôi và Shirley Dương :" Bọn cá tôm thối tha thì làm được trò trống gì, tôi thấy chúng hơi ... cái gì ấy nhỉ, ấy là vì Mao chủ tịch đã từng dạy chúng ta rằng, về mặt chiến thuật thì phải coi trọng kẻ địch".
Shirley Dương nói :" Chuyện về đàn cá thì không đáng lo, tôi vẫn nghĩ đi nghĩ lại mãi, hình như các pho tượng người treo ở giữa dòng sông không đơn giản là để nuôi con trăn khổng lồ kia đâu ... Trùng thuật vô cùng quái dị, thực sự là không sao đoán thấu được, may mà có đàn cá rắn viper vớ vẩn thế nào lại xông ra, nếu không đã xảy ra những chuyện gì cũng khó mà biết được. Chưa vào đến Trùng cốc mà đã gặp bao rắc rối rồi, chúng ta nhất định phải hành động cho thật chắc ăn, hết sức cẩn thân mới được ...".
Sắc mặt ai nấy đều nặng nề, chuyện đổ đấu lần này là hành động liên quan đến sinh tử tồn vong, chẳng khác nào phi ngựa bên vách núi cao không có đường lui, chỉ cho phép thành công chứ không được thất bại.
Ngồi nghỉ một lúc rồi, chúng tôi giở bản đồ tuyến độ cao của núi Già Long ra, bản đồ này cực kỳ đơn giản, sai số rất lớn, chúng tôi dùng la bàn so chuẩn hướng, xác định lại độ cao so với mực nước biển và phương vị, chỉnh sửa lại số liệu trên bản đồ, đánh dấu phương vị của lối ra, xong xuôi đâu đó ba người lại tiếp tục hành trình, lên đường đi tìm sông Rắn.
Nhánh nhỏ nhất của sông Lan Thương chính là sông Rắn mà chúng tôi muốn tìm, đoạn sông chảy vòng qua núi Già Long nước rất xiết, chêch lệch độ cao vô cùng lớn, có khúc sông chảy luồn xuống lòng đất hoặc vũng sình lầy trong rừng, có chỗ lại chảy theo sườn núi rồi đổ thẳng xuống, thác này tiếp nối thác kia, lòng sông toàn là những xoáy nước khổng lồ, thuyền bè không thể đi qua, lại vì dòng chảy quanh co ngoằn ngoèo nên mới có tên là sông Rắn, còn người dân tộc Bạch ở đây gọi nó là "Chê La Lu Lam" nghĩa là " con rồng dữ bị núi tuyết lớn trấn áp".
Theo lẽ thường thì tìm ra sông Rắn này không khó, nhưng kế hoạch thường khác xa thực tế, thảm thực vật dưới chân núi này quá dày, không thể nhìn được ra các con sông, chỉ còn cách đi men bên núi Già Long, dò dẫm chầm chậm tiến lên vậy.
Đến lúc này tôi mới nhận ra rằng, ở cái chốn quái quỷ này cuốn "Thập lục từ âm dương phong thủy bí thuật" hoàn toàn không có đất dụng võ. Muốn nhận diện hình, thế, lý, khí thì phải nhìn rõ núi non sông ngòi ra sao, nhưng ở khu vực này đỉnh núi toàn là mây mù, dưới núi toàn là cây cối dày đặc tràn lan, chẳng khác nào cả vùng núi sông bị trát lên bề mặt một lớp bùn xanh đặc sệt, bên trên lại phủ một lớp bông trắng, không biết đâu mà lần.
Rừng cây dưới vách núi dựng đứng lại càng khó đi, bước vào rồi, bướm chẳng thấy con nào, mà chỉ toàn là ruồi muỗi kiến độc to nhỏ đủ cỡ, lại không có đường đi, đứng trên cao nhìn xuống là một màu xanh rờn, đi vào mới thấy các loài dây leo chằng chịt đan kín, hầu như không có chỗ mà đặt chân, đành dùng xẻng công binh và dao phát mở lối, đồng thời còn phải đề phòng rắn độc và trùng độc tấn công nữa, những gian khổ ấy thật khó mà chịu đựng nổi.
Lúc này mặt trời đã khuất sau núi, mặt đất đang dần bị bóng tối nuốt chửng, rừng nguyên sinh bị một tấm màn đen trùm lấp, mà chúng tôi còn chưa đi được bao xa, có lẽ không thể tìm ra sông Rắn trước khi trời tối, đành phải chọn một nơi tương đối an toàn để qua đêm vậy. Đêm tối trong rừng rậm luôn đầy rẫy hiểm nguy, đây lại là khu vực nằm giữa núi cao sông lớn, áp suất không khí rất biến động, chúng tôi cần tìm một nơi không có quá nhiều muỗi, côn trùng, và khô ráo một chút để đốt lửa cắm trại thì mới qua đêm được.
Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được một phiến đá xanh rất bằng phẳng nằm giữa hai cây đại thụ, chiếu đèn pin quan sát, thấy xung quanh không có rắn rết sâu bọ gì. Cả ba đều rất mệt, vội lấy nhiên liệu ra nhóm một đống lửa, xung quanh xếp đá nhỏ vây lại. Vì không khí quá ẩm, cần châm đuốc hơ khô phiến đá xanh, sấy khô rêu nấm và hơi ẩm ở các kẽ đá, sau đó mới trải các túi ngủ lên, kẻo khi nằm ngủ sẽ bị khí ẩm nhập vào người rồi sau này sinh bệnh.
Shirley Dương đã ra khe suối gần đấy lấy nước mang về, lọc xong là có thể uống. Tôi lắp đặt một cái nồi dã ngoại cỡ nhỏ đun ít nước sôi, thả mì gia công mua ở quán trọ Thái Vân vào đun lên, không thêm gia vị gì hết kẻo mùi thơm sẽ thu hút loài động vật nào đó mò đến. Khi mì đã chín, chúng tôi bỏ thêm vài miếng bánh tẻ vào nồi, thế là xong bữa tối. Vì chưa biết còn phải đi trong sơn cốc này bao lâu nữa, nên chúng tôi cũng không nỡ mở đồ hộp ăn.
Tuyền béo không ngớt ca cẩm thức ăn quá tệ, chẳng khác nào nhai lông chim. Nói đến chim, cậu ta liền thuận tay cầm lên cây "Kiếm Uy" lên định đi kiếm chút dã vị, nhưng trời đã tối hẳn nên đành thôi, rồi lại ngồi xuống, vừa ăn vừa lầu bầu trách tôi nấu chẳng ra sao, nhạt nhẽo vô vị, nhưng vẫn xơi liền ba bát to.
Ăn xong, chúng tôi quyết định luân phiên ngủ để luôn có người canh chừng, dù sao trong rừng nguyên sinh này ba bề bốn bên đều có hiểm nguy rình rập, ai mà biết được đêm tối sẽ có trùng độc mãnh thú mò đến hay không.
Ca đầu tiên do tôi canh gác, tôi ôm "Kiếm Uy", nạp đầy đạn cho khẩu súng ngắn 64, ủ đống lửa cháy âm ỉ, sau đó ngồi cách đó một quãng không xa, vừa ê a mấy câu hát quen thuộc cho đỡ buồn ngủ vừa cảnh giác quan sát rừng cây tối đen xung quanh.
Đối diện với tôi là hai cây đa rất bề thế, thân to tướng như cột đá, tán cây buông rủ nặng nề trùm xuống như cái vung lớn, hai thân cây to xù ôm xoắn vào nhau bốn năm vòng như cái bánh quấn thừng, tạo nên một cặp cây phu thê hiếm thấy, trên thân cành còn có rất nhiều loại hoa và thực vật ký sinh chẳng biết tên gọi là gì, toàn cảnh trông như một cái lẵng hoa đủ màu sắc đặt giữa rừng rậm.
Tôi đang mải mê ngắm nhìn, chợt bỗng nghe Shirley Dương đang nằm trong túi ngủ lên tiếng :" Hai cây đa ấy chẳng thọ được lâu nữa đâu, thực vật ký sinh trên cây nhiều quá, cây thì già cỗi, dinh dưỡng nhâp không đủ xuất để nuôi kẻ ăn bám, quá nửa thân cây đã rỗng rồi, nhiều nhất là vài ba năm nữa là cây sẽ chết khô. Có những sự vật đến giai đoạn tươi đẹp nhất thì lại cách thời điểm diệt vong không còn xa nữa".
Tôi nhận ra ẩn ý trong câu nói của cô nàng, nói cái cây nhưng hình như lại ngụ ý nhắc đến lời nguyền động Quỷ đang ám vào chúng tôi. Tôi chẳng muốn nhắc đến những chuyện không vui, bèn nói với Shirley Dương :" Khuya rồi mà cô chưa ngủ à? Chắc là nhắm mắt lại thấy hiện lên hình bóng khôi vĩ của tôi, nên cứ trằn trọc không ngủ được chứ gì?".
Shirley Dương đáp :" Nếu nhắm mắt lại là nghĩ đến anh thì tốt quá, lúc này tôi hễ nhắm mắt, trong đầu lại hiện lên những pho tượng người trong hang động núi Già Long, càng nghĩ càng thấy lợm giọng, cơm cũng chẳng thiết ăn, đến giờ cũng chẳng ngủ nổi".
Tôi ngáp dài, rồi nói với Shirley Dương :" Cô đã không ngủ được chi bằng hãy phát huy tinh thần quốc tế chủ nghĩa, đổi gác cho tôi, bao giờ thấy buồn ngủ thì gọi tôi dậy".
Shirley Dương cười cười nói :" Anh mơ hão vừa thôi, anh và Tuyền béo mà ngủ thì dù sấm vang bên tai cũng không tỉnh dậy. Tôi không ngủ được thì cũng không đổi gác cho anh, kẻo sau nửa đêm anh giả vờ chết không chịu dậy gác nữa thì chết!"
Tôi lắc đầu thở dài :" Cô làm tôi thất vọng quá, những tưởng cô chẳng quản ngại đường xa vạn dặm, từ Mỹ sang đây để giúp đất nước chúng tôi xây dựng bốn hiện đại hóa, ban đầu vốn là sùng bái cô như sùng bái Bethune 1 ấy, trong thâm tâm luôn nghĩ cô là người có đạo đức và cao thượng, là người có ích cho nhân dân, là người từ bỏ những lạc thú thấp hèn, nào ngờ cô lại ích kỷ tự tư, chẳng quan tâm đến cảm nhận của chiến hữu gì cả, thì ra thái độ giản dị dễ gần mọi ngày của cô đều là giả vờ hết cả!".
Shirley Dương nói :" Anh nói cũng hay lắm, nhưng lại quá là ba hoa khoác lác, cứ nói phét mãi cũng không hay đâu! Đằng nào thì cũng mất ngủ, chi bằng anh tiếp chuyện tôi đi, nhưng cấm anh không được nói những điều trong Ngữ lục 2 nữa".
Rừng sâu im phăng phắc, không một làn gió nhẹ, dường như mọi động thực vật thảy đều ngủ say, thỉnh thoảng nghe thấy vài tiếng chim kêu lạ lùng từ xa vọng đến. Tôi buồn ngủ díp cả mắt, Tuyền béo nằm trong túi ngủ, rụt cả đầu vào trong, ngáy khò khò, ngủ say tít. Nhưng Shirley Dương không chịu đổi gác, tôi đành câu được câu chăng cố gượng chuyện trò với cô nàng vậy.
Cũng chẳng hiểu sao, nói lan man mãi rồi lại nói đến những con trăn đại tướng ở trong rừng rậm. Tôi nói, trước đây ở Bắc Kinh tôi có gặp một đồng đội cũ cùng đại đội, nghe anh ta chuyện ngồi hầm tai mèo ở tiền tuyến. Hồi đó chiến tranh đang tạm bước vào giai đoạn cầm cự giữ miếng, trên chiến tuyến của cả hai bên đều chi chít hầm tai mèo, thực ra chính là chỗ ẩn nấp cho bộ binh phản kích, khi đào hầm tai mèo rất hay gặp trăn núi cỡ đại. Anh ta bảo với tôi, con trăn lớn nhất phải to như con rồng trong truyền thuyết, hồi đó tôi không tin, nay gặp trăn trong núi Già Long tôi mới biết rằng không phải họ nói bừa.
Tuy nhiên, phần lớn các con trăn không hay chủ động tấn công người, chúng rất lười, cả ngảy chỉ nằm ngủ. Có một số anh lính ngồi hầm tai mèo nóng quá không chịu nổi, cởi trần ra vẫn nóng, bèn đi tìm một chú trăn to đang ngủ trên cây tha về hầm, cả mấy anh nằm nhoài trên mình trăn mát rượi mà ngủ, phải nói là còn dễ chịu hơn cả nằm phòng lắp điều hòa.
Thế rồi con trăn ấy sống luôn trong căn hầm tai mèo, hằng ngày được người ta cho ăn thịt kho đóng hộp, ăn no rồi lại ngủ, về sau, có hôm chiến sự bỗng trở nên rất ác liệt, đối phương pháo kích liên tục chặn cả đường tiếp tế thức ăn. Một lần, do vị trí đào hầm bất lợi, bị một chùm pháo nã trúng khiến cả tiểu đội ngồi trong chết sạch. Lần khác, pháo bắn liền một tuần, xung qaunh trận địa kiến cũng không thấy đâu nữa. Trong hầm chẳng còn đồ hộp thịt kho, người có thể tạm nhịn ăn nhưng con trăn to thì không nhịn nổi, nó ở hầm đã quen, hằng ngày hít khói thuốc lá của các chiến sĩ, nên cũng đâm ra nghiện thuốc, đuổi thế nào cũng không đi, nó đói đỏ cả mắt, nên chỉ lăm le ăn thịt người, cuối cùng họ đành phải nổ súng bắn chết nó. Họ lột da trăn rồi trải trong hầm, ruồi muỗi chuột bọ đều sợ không dám vào. Có hôm đối phương lợi dụng đêm tối mò sang đánh khu hầm, chiến sĩ canh gác thì ngủ gật nên không phát hiện ra. Tên địch định ném bộc phá vào hầm, nhưng bỗng thấy mình như bị con trăn quấn chặt lấy không cựa quậy gì được, xương cốt gần như bị một sức mạnh ghê gớm ghì vỡ vụn nhưng trên mình rõ ràng là không có thứ gì cả. Hôm sau các chiến sĩ trong hầm tai mèo phát hiện ra tấm da trăn đó...
Tôi kể chuyện phét cho Shirley Dương, về sau thì cả tôi cũng không hiểu mình đang nói gì nữa, cơn buồn ngủ xâm chiếm không sao gượng nổi, tôi cứ thế ôm "Kiếm Uy" ngủ lúc nào không hay.
--------------------------------
1 Henry Norman Bethune, bác sĩ người Canada, chiến sĩ hòa bình sang giúp Giải phóng quân Trung Quốc trong những năm 1938-1939.
2 Sổ tay ghi những câu châm ngôn của lãnh tụ ( phổ biến trong thời kỳ giáo điều, cách đây chừng bốn chục năm).
...............................................................
bạn đang đọc truyện tại chúc các bạn vui vẻ
....................................................................
Chương 9: TÍN HIỆU MA
Sau khi rời quân ngũ, tôi thường xuyên gặp ác mộng, nếu không cũng mất ngủ cả đêm. Từ ngày buôn bán đồ cổ ở Bắc Kinh, tập trung tinh thần vào đó, nên mới dần thấy nhẹ nhõm hơn, hễ đặt mình xuống là ngủ ngay, ngủ chưa đẫy giấc thì dù sấm nổ bên tai cũng không nhúc nhích.
Chẳng biết tôi đã ngủ như thế bao lâu, bỗng có người khẽ lay tôi tỉnh lại.
Tuy mệt rã rời nhưng tôi vẫn thấy có chút thấp thỏm bất an, bị đẩy một cái, liền tỉnh lại ngay. Lúc này tầng mây dày nặng đã dịch chuyển, ánh trăng lạnh đang tràn xuống đây. Người vừa đánh thức tôi là Shirley Dương. Thấy tôi mở mắt, cô lập tức đưa ngón tay trỏ lên môi, ra hiệu đừng nói to.
Tôi nhìn xung quanh, Tuyền béo vẫn đang nằm trong túi ngủ ngủ say như chết, trên người tôi chẳng biết từ lúc nào đã được choàng một chiếc chăn mỏng. Vừa ngủ say tỉnh lại đầu óc vẫn còn lơ mơ nhưng tôi lập tức hiểu ra ngay rằng có vấn đề.
Shirley Dương một tay lăm lăm khẩu súng ngắn 64, tay kia chỉ vào hai cây đa phu thê, rồi lại chỉ vào tai, nhắc tôi hãy lắng nghe tiếng động ở chỗ đám cây ấy.
Tôi lập tức ngồi thẳng lên, nghiêng tai lắng nghe. Tuy tôi không có công phu Thuận phong nhĩ thính như loài chó canh đêm giống tiền bối Gà Gô, nhưng trong rừng sâu cực kỳ yên tĩnh, khoảng cách lại gần, nên nghe thấy rất rõ ràng những tiếng gõ nhè nhẹ lúc mau lúc thưa phát ra từ đó.
Âm thanh không lớn, nhưng giữa đêm khuya khoắt, toát lên vẻ kỳ quái khó tả, không có tiết tấu gì hết, là thứ gì phát ra vậy? Chắc chắn không phải là chim gõ kiến, những âm thanh truyền ra từ bên trong thân cây, lẽ nào trong ấy có thứ gì đó?
Nghĩ đến đây tôi không tránh khỏi có phần căng thẳng. Tương truyền rằng xung quanh mộ Hiến vương có bồi lăng 1 và hố chôn người tuẫn táng, lại còn cả những tượng người ươm "trùng dẫn" treo lộn ngược lủng lẳng kia nữa, có trời mới biết trong khu rừng già này còn có những của nợ tà dị gì nữa?
Tôi không dám ho he, từ từ kéo quy lát chiếc "Kiếm Uy" về phía sau, rồi đeo túi xách lên người. Trong cái túi này có móng lừa đen kỵ tà trấn xác, có thừng trói thây, có gạo nếp, dù gặp tình huống gì, có mấy thứ này, cũng có thể giao đấu một trận.
Những tiếng gõ trầm đục ấy lại vang lên lần nữa, nghe như tiếng nước rỏ giọt, lại giống như tiếng móng tay gõ vào tấm tôn, lúc khoan lúc nhặt. Tôi nhìn vào chỗ phát ra âm thanh, nhưng cành lá che phủ kín mít nên không nhìn ra gì hết. Ánh trăng lấp lóa chập chờn xen giữa lá cành, càng làm cho phía trên ấy đượm phần ma mị uy hiếp người ta.
Shirley Dương ghé tai tôi thì thầm :" Vừa nãy anh ngủ thiếp đi, tôi tĩnh tâm lại nên mới nghe thấy tiếng động này, hình như trong thân cây có người ...."
Tôi cũng khẽ hỏi :" Người á?Sao cô khẳng định không phải là động vật?"
Shirley Dương nói :" Âm thanh nhỏ, quái dị, lại không có quy luật gì, thoạt đầu tôi cũng nghĩ là do động vật phát ra, nhưng mới rồi lắng nghe thật kỹ, nhận ra trong đó có một đoạn tín hiệu Morse, nhưng tín hiệu này chỉ xuất hiện một lượt, sau đó lại trở nên bất quy tắc, có lẽ vì âm thanh tương đối nhỏ, nên rất có thể tôi nghe bị sót mất một phần ..."
Tôi như người đi giữa đám sương mù, nhưng cảm giác bất an trong lòng lại càng dâng lên mãnh liệt. Tôi nói nhỏ với Shirley Dương :" Tín hiệu Morse? Tức là mã điện báo quốc tế chỉ có hai tín hiệu ngắn và dài ấy à? Cô đã nghe được điều gì thế?"
Shirley Dương nói :" Ba ngắn ba dài ba ngắn, tức là tạch tạch tạch, tè tè tè, tạch tạch tạch. Dịch ra được tín hiệu cầu cứu thông dụng trên khắp toàn cầu - SOS".
Tôi nói với Shirley Dương :" Cô đừng tự hù dọa mình nữa đi, mã Morse được dùng rộng rãi nhất thế giới thật, nhưng dù sao nó vẫn là mã điện báo thay thế chữ cái tiếng Anh. Ở chốn rừng rú này, ngoài lão mù và đồng bọn đã đến đây vào những năm Dân Quốc, thì chỉ có mấy người thợ khai thác đá mò vào, cũng chỉ vì tò mò mà đi qua sơn động vào rừng nhìn ngó rồi quay về. Dân địa phương thì rất mê tín, không dám vào rừng rậm sau núi Già Long, vì họ sợ gặp phải ma ... ma ..."
Nói đến chữ cuối cùng, tôi cũng cảm thấy không được tốt lành lắm, vội nhổ nước bọt, lòng thầm nhẩm niệm :"Bách vô cấm kỵ" 2.
Shirley Dương xua xua tay, bảo tôi đừng nói nữa để nghe lại thật kỹ. Âm thanh ấy lại vọng ra từ trong thân cây, lần này thì nghe rất nét, tiếng dài tiếng ngắn, đúng là ba ngắn một dài và ba ngắn, tiếng ngắn gấp gáp, tiếng dài nặng nề.
Shirley Dương lục túi lấy đèn pin mắt sói ra, nói :" Tôi leo lên xem sao".
Tôi kéo ngay cô nàng lại, nói :" Không được! Cô nhìn xem, ánh trăng đang có sắc đỏ, sương mù mỗi lúc một nồng đậm, trong cây kia chắc chắn có người chết, âm thanh đó chính là tín hiệu ma trong truyền thuyết đấy".
Shirley Dương hỏi :" Tín hiệu ma là gì? Sao tôi chưa từng nghe nói nhỉ?"
Tôi mới trả lời cô nàng rằng :" Chắc cô không biết, trong bộ đội vẫn hay kháo nhau rằng có một số đơn vị đóng quân ở miền núi vùng biên, điện đài thường nhận được những tín hiệu khó hiểu, những tín hiệu ấy chấp chới ngắt quãng, lúc thì cầu cứu, lúc thì cảnh báo ... toàn là những nội dung hết sức kỳ quặc. Bộ đội nhận được những làn sóng điện ấy, cho rằng có người gặp nạn đang cầu cứu, đa phần sẽ cử người đến địa điểm phát ra tín hiệu để tìm kiếm, nhưng hễ đi là không về nữa, cứ như đã bốc hơi khỏi thế gian này rồi vậy, cả những tín hiệu quái quỷ ấy cũng im bặt không thấy gì nữa, cho nên mới gọi là tín hiệu ma trong truyền thuyết".
Shirley Dương đã đội mũ bảo hiểm leo núi lên đầu, nói với tôi :" Những chuyện đồn đại hão huyền vô căn cứ ấy, chính xác sao được? Nơi này đã nằm trong phạm vi khu mộ Hiến vương, cho nên bất cứ hiện tượng dị thường nào cũng đều có khả năng liên quan đến mộ Hiến vương, chúng ta phải tra cho rõ ngọn ngành sự việc. Vả lại, lỡ mà có người bị kẹt trong đó đang cầu cứu thật, thì chúng ta không thể thấy chết mà không cứu được".
Nói rồi, Shirley Dương dùng cái cuốc chim chuyên dùng leo núi ngoắc lên một cành cây to chắc, mượn sức trèo lên, động tác vô cùng nhanh nhẹn, chỉ vài lần đu đã lên đến lưng chừng cây. Hai cây đa phu thê xoắn vào nhau, cao đến hai chục mét, tán lá xòe rộng đến hơn trăm mét che kín cả ánh trăng, thêm nữa cành lá quá chi chít rậm rạp, đứng dưới gốc cây dùng đèn pin mắt sói chiếu lên chỉ nhìn thấy được chục mét là cùng.
Đèn pha của chúng tôi đã bị phá hủy, cách chiểu sáng hữu hiệu nhất lúc này là giở súng bắn pháo hiệu ra bắn một quả, nhưng còn chưa vào đến Trùng cốc, dọc đường lại không có tiếp tế, cho nên không thể sử dụng xả láng ở đây được. Thấy Shirley Dương leo mỗi lúc một cao, tôi rất lo cho sự an toàn của cô, bèn vội đánh thức Tuyền béo đang rúc trong túi ngủ, bảo đứng dưới cây tiếp ứng, rồi đội mũ bảo hiểm leo núi, bật ngọn đèn gắn trên mũ, bám các nhánh cành và trèo lên theo.
Tuyền béo vừa thức dậy, chưa hiểu rõ tình hình ra sao, tay giương "Kiếm Uy" đứng dưới luôn miệng hỏi tôi xem là chuyện gì. Tôi mới trèo được khoảng một phần ba, nhìn xuống thấy Tuyền béo cứ ngơ ngơ ngác ngác cầm súng đi đi lại lại, bèn dừng lại, cầm cái cuốc chim leo núi gạt cành lá ra, cúi xuống nói :" Cậu đừng chĩa súng lên, coi chừng bị cướp cò thì tôi đi đời! Hình như bên trong cái cây này có gì đó, chúng tôi trèo lên xem xem rốt cuộc là thế nào. Cậu cứ đứng dưới cảnh giới, chớ có chủ quan".
Lúc này Shirley Dương đã trèo lên rất cao, bỗng kêu lên :" Có một mảnh thân máy bay mắc kẹt trên này, hình như là máy bay của không quân Mỹ".
Nghe thấy thế, tôi vội huy động cả tay lẫn chân lần theo ánh đèn trên mũ của Shirley Dương mà trèo lên, thấy cô đang đứng giữa tán cây, tay sờ vào một vật thẫm màu, tôi còn cách xa nên không nhìn rõ nó là thực vật hay là xác máy bay.
Khi trèo đến bên cạnh Shirley Dương, tôi mới nhìn rõ, dưới ánh trăng bàng bạc êm dịu như sương, có một đoạn khoang máy bay rất lớn cắm xiên vào giữa hai cây đa, cánh và đuôi máy bay không rõ đã đi đâu, thân bị thủng vài chỗ khá to, bên trong lỗ thủng nhét đầy các thứ gì đó, không thể nhìn rõ. Cánh cửa của khoang máy bay đạ bị bật ra, méo mó biến dạng, có rất nhiều chỗ han gỉ loang lổ, bám đầy rêu xanh và dây leo, hầu như đã trở thành một phần của cây gắn liền với cành lá, càng máy bay bị kẹt cứng giữa các cành cây.
Tôi ngoảnh nhìn về phía ngọn núi Già Long cao vút vươn xa ở đầu kia, thầm nhủ có lẽ chiếc máy bay này đã đâm phải núi, gãy thành mấy đoạn, phần khoang vừa khéo rơi đúng tán cây đa. Xung lực lớn như vậy, quanh đây chắc cũng chỉ có hai cây đa phu thê cao to hiếm thấy này chịu đựng nổi.
Shirley Dương chỉ cho tôi đám thực vật màu lục che phủ thân máy bay mà cô vừa dùng dao lính dù nạo đi, trên đó rành rành hiện ra một chuỗi ký tự C5X-R1XXX-XX2 ( X là chữ cái đã bị mờ không nhận ra), tôi không hiểu các quy tắc trong không quân Mỹ, bèn hỏi Shirley Dương :" Là máy bay ném bom của không quân Mỹ? Hay là đội Phi Hổ chi viện cho Trung Quốc thời kháng Nhật?"
Shirley Dương nói :" Tôi chưa phát hiện thấy biểu tượng của đội Phi Hổ trên mảnh thân này, chắc là phần còn lại của một máy bay vận tải kiểu C của không quân Mỹ, có khả năng nó cất cánh từ căn cứ Calcutta ở Ấn Độ trong Thế chiến II, chở vật tư cho quân viễn chinh Trung Quốc đang chiến đấu ở Myitkyina Mianma. Nếu là đội phi hổ chi viện cho chiến khu Trung Quốc thì phải có biểu tượng rất rõ ràng". Tôi gật đầu :" Chỗ này cách Mianma không xa, tôi xem bản tin thời sự, thấy bảo rằng vùng Đại Hiệp Cốc của Nộ Giang và núi Cao Lê Cống ở rất gần nơi này đã lần lượt phát hiện được vài chục xác máy bay vận tải của không quân Mỹ. Trong ba năm từ 1942 đến 1945, trên đường bay Trung Quốc - Mianma và sau đó là đường bay Đà Phong 3, quân đội Mỹ đã bị rơi không dưới sáu bảy trăm máy bay vận tải xuống lãnh thổ Tây Nam Trung Quốc, thật không ngờ ở đây cũng có một chiếc".
Tuyền béo đợi dưới gốc cây thấy sốt ruột, ngoác miệng gọi to :" Hồ Bát Nhất! Hai người đứng trên cây bàn chuyện móc nối làm ăn gì vậy? Lại còn bắt tôi đứng đây canh gác nữa hả, trên cây ấy rốt cuộc là có cái gì thế?"
Tôi tiện tay bẻ một cành cây ném xuống chỗ Tuyền béo :" Ông lẻo nhẻo cái gì thế? Chúng tôi tìm thấy một cái xác máy bay vận tải của Mỹ trên này, chúng tôi xem xét cho rõ đã rồi sẽ xuống..."
Tôi mới chợt nhớ đến chuyện lúc nãy có tiếng gõ tín hiệu cấp cứu phát trong thân cây, đưa mắt nhìn mảnh vỡ của chiếc máy bay vận tải, đụng nát ra thế này, sao có thể còn ai sống sót, tín hiệu kia rốt cuộc là thế nào? Chẳng lẽ là âm hồn của tổ lái chưa tan vẫn không ngừng cầu cứu ...
Tầng mây trên cao bỗng che khuất mặt trăng, trên cây lập tức tối sầm, tôi nín thở, vẫy tay ra hiệu cho Shirley Dương cùng áp tai vào thân máy bay nghe xem bên trong có tín hiệu Morse kỳ dị ấy nữa không.
Điều này chẳng khó gì, tôi vừa áp tai vào khoang máy bay liền nghe thấy bên trong vang lên ba tiếng "keng,keng, keng" gấp gáp. Âm thanh vang lên hết sức bất ngờ, tôi giật bắn mình kinh hãi, nếu không phải là tay trái đang nắm cái cán cuốc chim đu vào cành cây thì có lẽ tôi đã ngã lộn phộc xuống rồi.
Tôi và Shirley Dương từ đầu chí cuối đều không dám gây ra một tiếng động nào đáng kể, ngoài mấy câu tôi quát Tuyền béo đứng bên dưới, hai chúng tôi chỉ khẽ thì thầm, từ lúc trèo lên cây, chúng tôi không nghe thấy cái thứ "tín hiệu ma" kia nữa, giờ bỗng nhiên có âm thanh vang lên trong thân máy bay, vì khoảng cách quá gần, âm thanh nghe rõ mồn một, làm sao có thể không hoảng hồn cho được.
Tôi và Shirley Dương đưa mắt nhìn nhau, vẻ mặt cô nàng hết sức nghi hoặc nói :" Quái đản thật, chẳng lẽ bên trong có cái gì đó thật? Vừa nãy tôi thấy trên nóc khoang máy bay có một chỗ bị vỡ, chúng ta thử nạy ra xem bên trong thế nào".
Shirley Dương còn không sợ, tôi đương nhiên cũng không thể tỏ ra sợ sệt, bèn gật đầu tán thành :" Được! Nếu trong đó còn xác phi công Mỹ thì chúng ta sẽ tìm cách chôn tạm họ ở đây, rồi đem giấy tờ của họ về, tiếp đó là thông báo cho lãnh sự quán Mỹ đến mà lấy hài cốt. Người Mỹ không câu nệ cái kiểu " thanh sơn xứ xứ mai trung cốt" 4, chắc chắn sẽ phủ quốc kỳ lên tử sĩ mà đưa về quê hương".
Shirley Dương nói :" Tôi cũng nghĩ như anh, chúng ta hành động thôi, nếu chẳng may trong khoang có ... có cái gì đó,thì dùng móng lừa đen của Mô kim Hiệu úy mà đối phó!"
Tôi cố tỏ vẻ bình tĩnh, cười rằng :" Dù có cái gì thì chúng ta cũng không sợ, đây là mày bay vận tải quân dụng, chưa biết chừng bên trong lại có vật tư quân dụng gì đó, tốt nhất là có thuốc nổ, đổ cái đấu Hiến vương này không chừng sẽ cần dùng đến đấy".
Tôi chọn một chạc cây có thể đặt chân, lại đóng một cái chốt cố định vào kẽ nứt trên thân cây, lấy dây thừng leo núi buộc chặt người vào đó, rồi cầm cuốc chim nạy cái mảnh kim loại méo mó biến dạng trên nóc thân máy bay.
Shirley Dương ở bên cạnh dùng dao lính dù cắt dây leo bám bò trên bề mặt mảng sắt, hỗ trợ tôi nạy mảnh kim loại ra. Vì đã bỏ hoang hơn bốn mươi năm, máy bay lại bị hủy hoại tương đối nghiêm trọng, bị cây đa lâu năm phát triển chèn ép, nên tôi chỉ bật được một nửa mảnh kim loại, nửa kia chết cứng ở đó, đứng trên cây chơi vơi rất khó vận hết sức lực cho nên không thể làm gì hơn nữa.
Tôi nhoài người trên lỗ thủng, định nhìn xem bên trong rốt cuộc là vật gì đang không ngừng phát tín hiệu, Shirley Dương đứng sau, tay cầm khẩu súng 64 và chiếc móng lừa đen yểm trợ. Ban đêm trong rừng, đèn chiến thuật gắn trên mũ hiệu quả hơn nhiều so với lúc trong hang động tối om không nhìn thấy năm ngón tay, dùng để quan sát tình hình trong khoang máy bay này là cũng đủ rồi.
Tim tôi như muốn nhảy lên đến tận cổ họng, từ từ ghé đầu vào, lúc này trong rừng yên tĩnh lạ thường, tiếng "tưng tưng tưng" trong khoang máy bay vang lên từng tiếng từng tiếng một, mỗi tiếng đều khiến tim tôi thót lên cao một chút.
Ánh đèn trên đầu chiếu vào trong khoang tối đen như mực, nhìn thấy trước hết là chiếc mũ phi công, hình như xác người phi công vừa khéo treo ở đúng chỗ tôi vừa nạy tấm kim loại ra, người ấy đang cúi đầu, rất có thể đã bị gãy cổ khi máy bay rơi, đầu gục xuống trước ngực. Thân máy bay biến dạng tương đối nghiêm trọng, cái hốc này khá hẹp, nên tôi chưa thể nhìn thấy tình trạng của thi thể bên dưới cái mũ, nhưng có thể khẳng định rằng góc gập giữa đầu và thân như thế này không thể là tư thế của người còn sống.
Tôi thò tay vào định nhấc cái mũ phi công lên, không ngờ cái mũ đang gục xuống ấy bỗng khẽ động đậy mấy lần, hình như nó muốn vận sức để ngẩng lên. Mỗi lần động đậy lại phát ra âm thanh như gõ vào tấm sắt.
Toàn thân tôi ướt đẫm mồ hôi, thầm kêu lên một tiếng :" Khốn nạn thân tôi!". Phen này chắc chắn là gặp phải cương thi rồi, hồi nhỏ tôi sợ nhất là nghe kể chuyện cương thi nằm trong quan tài gõ nắp quan lộc cộc, hôm nay gặp hàng thật rồi, chẳng rõ cái móng lừa đen của Mô kim Hiệu úy từ xưa dùng để khắc chế cương thi có được việc không nữa.
Tôi đâm liều, một tay cầm cuốc chim nhấc cái mũ phi công nứt vỡ ấy lên, tay kia cầm móng lừa đen dúi vào, nhưng phía dưới chiếc mũ bỗng phóng ra một luồng sáng vàng cực mạnh...
--------------------------------
1 Lăng phụ.
2 Không phải kiêng kỵ gì hết. Ý nói " không sao, không sao cả..."
3 Đường bay Đã Phong ( tiếng Anh : The Hump) là tên được phi công quân đội Đồng minh đặt cho đường bay từ Ấn Độ sang Trung Quốc qua dãy Himalaya, dùng để vận chuyển vật tư quân sự cho quân đội Trung Quốc chống Nhật và hỗ trợ lực lượng không quân Mỹ ở Trung Quốc. Đây là một đường bay cực kỳ nguy hiểm.
4 Những con người trung liệt mai táng ở chốn núi rừng ( thơ cổ).